“Đám đông đó là người Hồi giáo. Họ tranh cãi với những người tình
nguyện Hindu, rồi họ đốt hết - phụ nữ, trẻ em,” người bán trà nói.
“Có năm mươi tám người chết, hơn hai mươi người bị thương, theo các
báo cáo tại bệnh viện Godhra,” phóng viên nói, “và chúng tôi vừa nhận
được tin rằng toa tàu bị đốt là S6.”
“Cô ta bảo S6 à?” Omi nói, quay sang tôi.
Tôi im lặng. Tôi không muốn xác nhận tin xấu.
“Cô ta nói thế à? Em tao ở trong toa đó.” Omi nói và chạy ra.
Chúng tôi ra khỏi cửa hàng. Những người bán hàng đều mặt mày căng
thẳng.
“Chúng thiêu cả những đứa trẻ, chúng là cái cộng đồng gì vậy,” người bán
hoa nói với chủ hàng bánh bên cạnh.
“Vào lúc sáng sớm ngay tại nhà ga. Chúng thật cả gan,” người bán hàng
khác nói.
“Chúng tấn công nước Mỹ ngay giữa ban ngày ban mặt. Giờ bọn khốn
kiếp kia đã đến Gujarat. Thế mà người ta vẫn bợ đít chúng,” người bán hoa
nói. Hiếm khi người ta nghe tiếng nói tục trong đền, nhưng hôm nay thì
khác. Trong suốt cả đời tôi, hôm nay là một ngày khác.
Omi ra khỏi đền cùng bố, mẹ và vợ của Mama. Mọi người bán hàng, Ish
và tôi vây quanh họ.
“Trả Dhiraj cho tôi. Trả Dhiraj cho tôi,” tiếng kêu khóc của vợ Mama
vọng lên các bức tường trong đền.
“Cháu sẽ đến nhà ga để tìm hiểu thêm,” Omi nói. Nó đang cố gọi điện cho
Mama, nhưng không nối máy được.
“Đừng đi, thành phố này không an toàn,” người bán hoa nói. Mẹ Omi giật
níu tay nó.
“Sẽ sớm có lệnh giới nghiêm. Đóng cửa hàng và về nhà thôi,” người bán
hoa nói.
Những người bán hàng tản ra. Mẹ Dhiraj nước mắt rơi lã chã.