trọng đặc biệt”. Bác sĩ Multani dừng lại để giở một vài báo cáo, và cầm một
chiếc bánh khakra khác.
Tôi nhìn ra cửa sổ, về phía Ali bên ngoài. Nó đang dùng súng cao su bắn
một viên bi vào viên bi khác.
“Vậy là Ali có phản xạ tốt. Phải vậy không?” Ish nói.
“Phản xạ của cậu bé tốt hơn chúng ta ít nhất mười lần. Nhưng còn hơn
thế. Ngoài hành động phản xạ ra, não người ra quyết định theo hai cách
khác. Một cách là phân tích thật lâu - vấn đề trải qua quá trình phân tích
nghiêm ngặt trong bộ não rồi chúng ta quyết định hành động. Và còn cách
thứ hai hoàn toàn khác, nhanh hơn nhưng kém chính xác. Thường thì ta
dùng cách thứ nhất và nhận thức được điều đó. Nhưng đôi khi, trong những
tình huống khẩn cấp, bộ não lựa chọn con đường tắt. Cứ gọi đó là cách nghĩ-
chớp-nhoáng.”
Chúng tôi gật đầu, bác sĩ Multani nói tiếp:
“Trong hành động phản xạ, bộ não làm tắt quá trình tư duy mà hành động
luôn. Cậu ta có thể chỉ cúi xuống, không cần nghĩ đến việc cố đỡ bóng mà
cứ thế đỡ. Thời gian phản ứng rất nhanh. Thể thao có những khoảnh khắc
đòi hỏi ta phải nghĩ theo mọi phương cách khả dĩ - phân tích, nghĩ chớp
nhoáng hoặc phản xạ.”
“Còn Ali?” Ish hỏi.
Bác sĩ Multani cầm hình chụp cộng hưởng từ lên. “Bộ não Ali thật tuyệt
vời. Cách thứ nhất, thứ hai và thứ ba lẫn lộn vào nhau. Thời gian phản ứng
của cậu bé nhanh bằng hành động phản xạ, nhưng quá trình ra quyết định lại
chính xác như phương pháp phân tích. Có thể cháu sẽ nghĩ cậu bé đánh trả
pha giao bóng rất nhanh của cháu là do may mắn, nhưng bộ não của cậu bé
thấy đường bóng rất dễ dàng. Như một cú ném nhẹ.”
“Nhưng cháu đá ném nhanh lắm mà.”
“Đúng vậy, nhưng bộ não cậu bé có thể ghi lại và hành động tương ứng.
Nếu khó hình dung quá... cứ tưởng tượng này nhé, Ali thấy quả bóng như
trong phim quay chậm. Một cầu thủ bình thường sẽ dùng phương pháp thứ