Hôm chúng tôi đi Law Garden, em mặc áo chikan salwar kameez màu
trắng. Trên vạt váy màu cam và dải khăn màu đỏ có những quả chuông đồng
bé xíu. Chúng phát thành tiếng mỗi khi tay em động đậy. Có biểu hiện trang
điểm hơi đậm. Môi em sáng bóng, và tôi không cưỡng lại nổi, cứ nhìn chằm
vào.
“Son bóng đấy. Có đậm lắm không?” em nói e dè, đưa ngón tay xoa lên
môi. Sát phía môi trên của em, ở bên phải, là một nốt ruồi rất mờ. Tôi quay
mắt đi và nhìn những chiếc ô tô trên đường. Đừng bao giờ, đừng bao giờ
nhìn vào mắt em, tôi trách mắng bản thân.
“Hiệu sách kia rồi,” tôi nói khi chúng tôi đến nơi.
Hiệu sách Đại học ở Navrangpura là thánh đường cho những con mọt
sách trong thành phố. Gần như mọi khách hàng là những sinh viên thiếu
ngủ, những kẻ nhiệt tình thái quá luôn thấy bao nhiêu vật lý lượng tử hay
giải tích cũng đều là không đủ. Không có số liệu thống kê, nhưng tôi dám
chắc bất cứ ai qua được kỳ thi đầu vào trường kỹ thuật hoặc trường y ở
thành phố đều đã từng ghé qua hiệu sách này.
Bán hàng là một người trung niên, ông ta nhìn Vidya qua cặp kính mắt.
Em có lẽ là người hấp dẫn nhất từng đến đây trong tháng này. Những học
sinh ôn thi vào trường y không tô son màu bóng như vậy.
“A hèm, xin lỗi,” tôi nói khi người bán hàng lướt nhìn Vidya từ đầu đến
chân.
“Govind beta, thật vui được gặp cháu,” ông nói. Có một cách hữu hiệu để
đám người già tránh bị quy là phóng đãng, ấy là coi bạn như con cái họ. Ông
ta biết tên tôi từ khi tôi được một trăm điểm ở kỳ thi tốt nghiệp. Trong bài
phỏng vấn trên báo chí, tôi đã giới thiệu hiệu sách của ông ta. Ông ta cắt tờ
báo ra rồi treo lên đến tận hai năm sau. Mỗi lần mua sách tôi vẫn được giảm
hai lăm phần trăm.
“Chú có cuốn hóa học hữu cơ của L. G. Wade không?” tôi nói. Lẽ ra tôi
sẽ nói vài câu chuyện vãn, nhưng tôi muốn tránh nói về Vidya. Quả thật, tôi
còn không muốn ông ta nhìn Vidya.