Anh ta đột nhiên hỏi Trương Cổ: Cậu có cảm thấy tôi rất đáng sợ
không?
Bây giờ anh ta lại nói là muốn đưa Trương Cổ đi viện tâm thần…
Phùng Kình là đồng bọn của thằng bé hay sao? Nếu thế, anh ta là
người hay là ma?
Trương Cổ bắt đầu hồi tưởng lại từ đầu những ngày anh và Phùng
Kình mới quen nhau và trở thành bạn thân như thế nào.
Phùng Kình là người tỉnh khác. Hình như anh tốt nghiệp ở một trường
chuyên nghiệp nào đó, rồi được phân công về trạm biến áp thị trấn Tuyệt
Luân Đế này công tác. Trương Cổ không biết gia đình Phùng Kình ở đâu.
Cách đây ba năm, Trương Cổ mới mua cây đàn ghi-ta của Nga, nhưng
anh chưa biết chơi; nghe nói Phùng Kình ở trạm biến áp chơi ghi-ta rất siêu,
Trương Cổ bèn đến xin thụ giáo.
Phùng Kình rất nhiệt tình, hai người trò chuyện hồi lâu, và anh còn
cho Trương Cổ tập tài liệu nhập môn.
Trương Cổ nhận ra cây đàn ghi-ta của Phùng Kình rất khác đời, hình
như được anh tự làm ra theo một ý tưởng kỳ quái. Hộp cộng hưởng của cây
đàn không thắt lại theo hình quả hồ lô tựa như số tám, mà là một hình tam
giác, lỗ thoát âm cũng không hình tròn mà là hình vuông.
Kể từ đó hai người quen nhau.
Một buổi tối, Phùng Kình kể cho Trương Cổ nghe một câu chuyện.
Giờ đây nhớ lại, thấy câu chuyện đó ít nhiều có những mối liên hệ chằng
chịt với các sự kiện xảy ra lâu nay. Câu chuyện ấy xuất phát từ một bản
nhạc dành cho đàn ghi-ta, tên là “Cuộc hẹn với người xa lạ”.
Sau đây là câu chuyện mà Phùng Kình đã kể cho Trương Cổ nghe, nó
cũng méo mó quái dị như hình dáng cây đàn ghi-ta của Phùng Kình.
Ở một thị trấn rất xa xôi nọ, có một cô gái cực kỳ xinh đẹp.
Cha mẹ đã sớm qua đời, cô cũng không có anh chị em nào khác, cô
sống một mình. Cho đến năm 30 tuổi cô vẫn chưa tìm được người bạn trai
ưng ý. Sống độc thân không có ai để nương tựa, thực là cô đơn.