“Bên xuất bản có đồng ý sử dụng các hình vẽ minh họa này
không?”, anh đặt bút xuống hỏi. Tôi lại gần bàn, lật từng trang vẽ ra
xem. Có những bức chỉ là phác thảo, song cũng có một số đã là
thành phẩm tinh xảo. Màu nước rất dịu, đường nét nhân vật đơn
giản, hơi khoa trương. Cổ nào cũng dài như kiểu Modigliani, nhưng
mắt lại dài, nhỏ hẹp đặc trưng của người phương Đông, truyền tải
được nét buồn bã, hơi giảo quyệt và trong sáng.
Đó chính là đặc trưng chung của ngôn từ tôi viết và trong những
bức tranh của anh.
“Em yêu những bức tranh minh họa này. Dù tiểu thuyết của em
không thể hoàn thành, chúng vẫn có thể tồn tại độc lập, cũng có thể
mang ra triển lãm. Mọi người sẽ thích lắm”, tôi ghé mặt tới, hôn một
cái lên môi anh, “Nhận lời với em đi, nhất định anh phải vẽ tiếp
nhé. Em tin rằng anh sẽ trở thành một họa sĩ tài ba”.
“Anh chưa từng nghĩ đến điều này”, anh thong thả đáp, “Và
chưa chắc anh đã muốn trở thành người nổi tiếng”. Đó là câu nói
rất thật lòng. Anh chưa bao giờ ham hố điều gì, cả trong tương lai
cũng vậy. Người Trung Quốc có câu nói quen dùng, “Ba tuổi nhìn kẻ
tám mươi”, hàm ý là một con người dù từ năm ba tuổi tới tám mươi
tuổi cũng không thể thay đổi được những thứ thuộc về bản chất của
mình. Nói như vậy nghĩa là rất nhiều người đều có thể dự đoán
được viễn cảnh tương lai của mình.
“Không phải là vấn đề nổi tiếng hay không, mà là tạo dựng một
chỗ dựa vững chắc cho tâm lý mình. Đó là một lý do có thể vui vẻ đi
tiếp cuộc đời”, tôi kiên trì nói. Còn một câu nữa nhưng tôi kìm
không nói ra: “Đó cũng là lực đẩy giúp anh vĩnh viễn rời bỏ ma túy và
cuộc sống khép kín”. Nếu Thiên Thiên có khát vọng trở thành họa