Giá mắc hơn cả tôi dự tính. Tôi thừa nhận mình không có chút
khái niệm gì về giá cả thị trường. “Nó rất có giá trị, đợi sau khi anh
chị thêm cháu bé, càng thấy rõ tác dụng của nó. Nó sẽ giúp duy trì vệ
sinh gia đình”. Tôi sa sầm mặt, anh ta lại nhắc tới chuyện “con cái”.
“Xin lỗi, chúng tôi không muốn mua”.
“Có thể giảm giá hai mươi phần trăm”, anh ta vẫn kiên trì thuyết
phục, “Một năm bảo hành, chúng tôi là công ty lớn làm ăn nghiêm
chỉnh”.
“Cám ơn, làm mất thời gian của anh quá”, tôi mở cửa. Anh ta thu
dọn đồ, mặt vẫn không biến sắc, thong thả đi ra ngoài cửa, quay
đầu lại nói tiếp, “Chị có điện thoại của tôi rồi đấy. Nếu thay đổi ý
định, xin cứ liên hệ với tôi”.
“Coco, cái gì em cũng muốn thử, luôn chuốc lấy cho mình rắc
rối”, Thiên Thiên nói.
“Rắc rối cái gì? Ít nhất anh ta dọn sạch thảm”, tôi thở dài,
ngồi xuống bàn làm việc. Thiên Thiên nói tôi “cái gì cũng muốn
thử”, không biết muốn ám chỉ điều gì.
Tiếng gõ cửa lại vang lên. Tôi vừa mở cửa, bà hàng xóm béo kế
vách xuất hiện, tay cầm một tệp hóa đơn tiền điện thoại, tiền
nước, tiền điện lưu trữ trong thùng thư, ngoài ra còn hai bức thư
nữa. Tôi nhớ ra chưa đi kiểm tra thùng thư mấy tháng nay, cũng
không hề khóa lại. Tôi cám ơn bà hàng xóm, bà cười ra về.
Hàng xóm trên dãy phố này đều có chất cực kỳ nhiệt tình của
người Thượng Hải cũ. Họ đều nghèo, các bà nội trợ thất nghiệp
chăm sóc gia đình rất kĩ lưỡng. Bên ngoài cửa sổ phòng bếp luôn
treo sẵn cá cơm phơi khô và củ cải, chốc chốc, lò nướng bánh lại tỏa