đạo ra vẻ lịch sự, nhưng miệng không ngớt đàm tiếu chuyện của tôi.
“Làm điều này chỉ cần tiền và có đầu óc một tí”.
“Thôi được”, cô nói, “Có một số nhà văn đang tổ chức cuộc thi
viết Thượng Hải, trong đó có một cô gái chỉ hơn cô vài tuổi. Sau khi
lấy một nhà phê bình nổi tiếng, luôn khát khao tìm thấy cảm xúc
từ những sợi tóc của chồng rơi xuống sàn. Vô cùng thú vị. Cô hãy
gặp họ, sẽ có lợi lắm”. Cô nói tên một tiệm ăn trên đường Tân Lạc và
thông báo cũng sẽ đến đó.
Tôi hỏi Thiên Thiên có muốn cùng tôi đi gặp các nhà văn đó
không. Anh giả bộ không nghe thấy. Anh có ấn tượng xấu vốn
sâu đậm và cố chấp về các nhà văn.
Tôi ngần ngừ mất hồi lâu khi chọn trang phục. Trong tủ quần
áo rõ ràng chia thành hai phong cách khác nhau. Một là loại lưỡng
tính, rộng rãi, gam trầm, khi mặc lên giống như bức tranh sơn dầu
giữa thế kỉ. Một loại khác rất chật, bó sát, có hơi hướng hồ ly, mặc
lên giống các cô gái trong series phim “Điệp viên 007”. Tôi tung
đồng tiền, chọn loại sau. Thoa lên môi màu son và nhũ mắt đều
tím, khoác chiếc túi vằn da báo, tôi mặc trang phục phương Tây
thập niên 60, đang rất thịnh hành ở mọi chốn Thượng Hải.
Tắc xi lách qua xuyên lại mọi hang cùng ngõ hẻm làm tôi chóng
hết cả mặt. Người lái tắc xi mới vào nghề được vài ngày, không để
ý lại quay về chỗ cũ. Tôi lại vốn mù tịt về đường sá, cũng không có
chút cảm giác về phương hướng, chỉ biết kêu la ầm ĩ. Suốt dọc
đường, chúng tôi gây lộn với nhau như sắp phát điên. Nhìn con số
trên đồng hồ tính tiền giật cả mình, tôi dọa, “Tôi sẽ tố cáo”. Anh
ta im lặng. “Vì anh đã xâm hại quyền lợi của hành khách”, giọng tôi
càng nghiêm trọng hơn.