Mới hay không có, có không là gì.
Hoàng phì cười. Một ý nghĩ mỉa mai ngộ nghĩnh vụt đến trong óc
chàng. Chàng muốn hỏi: “Biết như vậy, sao anh còn lo làm giàu mà làm gì”
nhưng chàng không thốt ra lời. Chàng biết bạn nói thật. Sự mâu thuẫn sở dĩ
có cũng do sự thành thật ấy mà ra. Chàng còn biết rõ Vinh giàu có không
phải do tài kinh doanh của mình mà do tài đảm đang, lịch lãm của vợ. Mặc
dầu sống trong nhung lụa, Vinh vẫn giữ được bản chất nghệ sĩ thời còn thơ.
Và không thể phát triển nghệ sĩ tính qua hành động, nhà tỉ phú trong sạch
này đành nghiêng về đạo lý để giải tỏa ẩn uất dồn ép tận vực thẳm của tiềm
thức. Lâu này, nhàn cư quá, Vinh bỗng tìm được cái thích thú trong việc
nghiên cứu giáo lý của đạo Phật.
Gia đình Vinh là một gia đình quái lạ, ít tìm thấy được ở xã hội Việt
Nam. Gia đình này gồm có bốn nếp sinh hoạt riêng biệt, lồng dưới mái nhà
đồ sộ nguy nga. Ông Vinh gặp ai cũng thao thao về Phật giáo. Bà Vinh gặp
ai cũng bàn chuyện hụi hè và hát cải lương. Hạnh lúc nào cũng chứa một
kho chuyện xi nê, gặp người là xổ ra như pháo tết. Loan thì chứa đầy một
bụng thơ, từ thơ trữ tình đến thơ trào phúng, từ thơ giá trị đến thơ con cóc,
nàng mà tuôn thơ ra thì cả nhà phải bịt tai, bịt mũi.
Hoàng quen thuộc với gia đình này quá, nên chàng có tài chiều tất cả
mọi thị hiếu. Hôm nay, thấy Vinh từ trong chuyện nghề nghiệp chuyển sang
chuyện đạo lý, Hoàng biết mình sắp sửa phải nghe một tràng lý thuyết nhà
Phật. Chàng chuẩn bị tinh thần để lắng nghe.
Vinh nói thao thao như nằm lòng kinh điển:
- Càng suy ngẫm việc đời, tôi càng thấy triết lý Phật giáo thật vô cùng
thâm thúy. Con người vì chấp ngã nên luôn vướng vào vòng khổ sở. Chú là
giáo sư Việt văn, chắc chú có nghiên cứu nhiều về Phật giáo?
Hoàng đáp để vừa lòng bạn: