đáp xuống bãi cỏ của bệnh viện nằm cách rặng cây một quãng.
- Các khe cửa sổ đã được trát kín chưa ạ? - Viên trợ lý hỏi.
- Chưa. - Zhivago trả lời rồi lại cúi xuống viết tiếp.
- Sao vậy? Đã đến lúc phải bịt kín rồi.
Zhivago không nói gì vì đang mải viết.
- Đáng tiếc lão Tarasuc không còn ở đây nữa, - Viên trợ lý nói tiếp. - Lão ta
có đôi tay quý như vàng. Nào chữa giẩy, sửa đồng hồ. Việc gì cũng làm
được tất. Làm giỏi là đằng khác. Dầu sao cũng đã đến lúc phải bịt các cửa
sổ lại rồi. Thôi ta đành tự làm lấy vậy…
- Không có mát-tít đâu.
- Thì bác sĩ tự chế ra. Đây, cách chế thế này này. - Và viên trợ lý cắt nghĩa
cách làm mát-tít từ dầu gai và phấn viết. - À mà thôi, tôi chỉ quấy rầy ông.
Đoạn ông ta đi sang chỗ cửa sổ khác và loay hoay với các thứ chai lọ cùng
tiêu bản giải phẫu của mình. Trời bắt đầu chạng vạng. Được một phút, ông
ta lại nói:
- Ông đến hư mắt mất thôi. Tối thế này mà họ chẳng cho ông đèn đóm gì
ráo. Ta về thôi.
- Tôi còn làm việc một chút, chừng hai mươi phút nữa.
- Vợ lão ta làm khán hộ ở đây đấy ông ạ.
- Vợ ai kia?
- Vợ lão Tarasuc.
- Tôi biết.
- Còn lão ta, chả ai biết lão ta ở đâu. Lão ta chạy rông khắp thiên hạ. Mùa
hè vừa rồi, lão ta có đến thăm tôi hai lần. Có ghé qua bệnh viện. Bây giờ
lão ta đang ở một làng quê nào đó. Đang xây dựng đời sống mới. Lão giống
như những người lính bolsevich mà ta thường gặp ở ngoài đường phố và
trên xe lửa. Bác sĩ có muốn biết nguyên do câu chuyện không? Chuyện lão
Tarasuc chẳng hạn? Nó như thế này. Đó là một người thợ hết sức khéo tay
và cẩn thận. Chạm tay vào bất cứ việc gì là việc đó trôi chảy, thành công. Ở
ngoài mặt trận, lão ta cũng là người đúng như vậy. Lão học đánh nhau như
học bất cứ nghề thủ công nào. Lão tỏ ra là một xạ thụ kỳ tài. Trong chiến
hào, ở địa điểm phục kích… lúc nào cũng tinh mắt, nhanh tay vào bậc nhất!