Trong cái quy tắc ấy, cậu bé là một trường hợp ngoại lệ chua chát và tàn
nhẫn. Cái động lực thúc đẩy cuối cùng của cậu vẫn là sự lo toan; cảm giác
vô ưu kia không hề nâng đỡ hay làm cho cậu cao thượng hơn. Cậu biết
mình thừa hưởng của cha ông cái đặc tính ấy và cứ để ý từng ly từng tí đến
những dấu hiệu của nó trong con người mình. Nó khiến cậu buồn khổ và
nhục nhã.
Từ ngày có ý thức, cậu vẫn luôn tự hỏi và ngạc nhiên: cớ sao cũng có tay
chân như ai, cũng nói một thứ tiếng, cùng sống theo thói quen như mọi
người, mà lại có thể khác mọi người, hơn nữa ít được người ưa và nói
chung là người ta không ưa.
Cậu không sao hiểu nổi, vì lẽ gì nếu anh hèn kém hơn những người khác,
anh lại không thể gắng sức sửa đổi để trở nên khá hơn. Là người Do Thái,
điều đó có ý nghĩa gì? Mà sao lại tồn tại điều ấy? Cái gì tán thưởng hoặc
biện hộ cho sự thách thức giản đơn, một sự thách thức chẳng đem lại điều
gì, trừ sự đau khổ?
Khi cậu đem câu chuyện hỏi cha cậu để mong được giải đáp thì cha cậu nói
rằng các tiền đề cậu nêu ra là vô lý, rằng không nên lập luận kiểu đó, song
ông cũng chẳng đưa ra ý kiến gì khả dĩ sâu sắc khiến cậu phải im lặng cúi
đầu chấp nhận điều không thể thay đổi được.
Sau khi dành ngoại lệ cho cha và mẹ, Misa dần dần thấy khinh miệt những
người lớn, những kẻ đã gây ra tình trạng rối ren mà chính họ không đủ sức
tháo gỡ nổi. Cậu tin rằng bao giờ trưởng thành, cậu sẽ tháo gỡ tất cả những
chuyện đó.
Thì đây chẳng hạn bây giờ chắc chẳng ai dám nói, rằng cha cậu đã xử sự
không đúng khi đuổi theo cái lão điên kia, lúc lão tá phóng chạy ra cửa toa,
và rằng không nên kéo thắng cho đoàn tàu dừng lại, lúc lão điên kia gạt
mạnh cha cậu sang một bên, mở toang cửa toa, rồi lao đầu xuống vệ đường
giữa lúc tàu đang chạy nhanh, cứ y như người đi tắm cắm đầu nhảy từ cầu
cao xuống nước để sau đó ngoi lên.
Nhưng người kéo tay thắng tàu không phải ai khác, mà chính là cha cậu,
Grigori Oxipovich Gordon, nên kết quả là vì họ mà đoàn tàu phải đỗ lại lâu
đến mức vô cớ như vậy.