Bà ta đứng lên, đặt tờ báo xuống ghế. Sasagaki ngậm một điếu
Peace, bật diêm châm thuốc, đưa mắt nhìn tờ báo, bắt gặp cái tít “Bộ
Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố kết quả kiểm nghiệm hàm lượng
thủy ngân trong sản phẩm thủy hải sản trên thị trường
có một hàng chữ nhỏ hơn, “Dù ăn một lượng cá lớn vẫn dưới mức
cho phép”.
Hồi tháng Ba, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng cho bệnh
Minamata ở tỉnh Kumamoto - cùng với bệnh Minamata ở tỉnh
Niigata, bệnh suyễn ở thành phố Yokkaichi, bệnh Itai-itai ở tỉnh
Toyama, được gọi chung là “Bốn chứng bệnh lớn do ô nhiễm môi
trường”. Kết quả, bên thắng kiện đều là nguyên đơn. Điều này khiến
dân chúng trở nên quan tâm hơn đến các vấn đề ô nhiễm môi
trường. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nghi ngại rằng các loại cá
họ thường ăn đã bị nhiễm độc thủy ngân hoặc PCB
[3]
Mực chắc không có vấn đề gì đâu nhỉ? Sasagaki nhìn tờ báo, thầm
nhủ.
Hai miếng sắt dùng để nướng bánh mực gắn với nhau bằng
bản lề, ở giữa kẹp con mực đã tẩm bột và trứng, được đặt lên bếp
làm nóng. Mùi mực nướng tỏa ra kích thích cảm giác thèm ăn của
Sasagaki. Sau khi làm nóng đủ độ, bà chủ mở kẹp sắt, cái bánh giòn
xốp, tròn tròn dẹt dẹt dính trên một miếng sắt. Bà phết lên đó một
lớp xốt mỏng, gập lại, sau đó bọc bằng tờ giấy màu nâu, buông một
tiếng “Xong rồi” và đưa cho khách. Sasagaki liếc mắt nhìn tấm biển
đề “Bánh mực nướng bốn mươi yên” rồi trả tiền. Bà chủ niềm nở nói,
“Cảm ơn.” Sau đó cầm tờ báo lên, lại ngồi xuống ghế. Sasagaki đang
định đi thì một người đàn bà đứng tuổi dừng lại trước cửa hàng, cất
tiếng chào bà chủ. Trên tay bà ta xách cái làn, có vẻ là một bà nội trợ
ở gần đây.