“Mật khẩu à...” Kirihara im lặng, dường như đang nghĩ gì đó.
Khoảng hai ba tuần sau đó, Kirihara mang một hộp giấy to cỡ
cái máy cát xét vào phòng chế tác chương trình phần mềm cho máy
tính cá nhân. Trong hộp chính là máy mã hóa, có chỗ cắm thẻ từ vào,
cũng có cả màn hình hiển thị thông tin trên thẻ.
“Cũng chỉ có cậu mới kiếm được thứ này thôi.” Nghe
Tomohiko nói vậy, Kirihara chỉ khẽ nhún vai, cười cười.
Sau khi có được chiếc máy mã hóa cũ ấy không lâu Kirihara
làm giả một tấm thẻ rút tiền. Tomohiko không biết người sở hữu thẻ
gốc là ai, vì tấm thẻ ấy chỉ ở trong tay Kirahara có mấy tiếng đồng
hồ. Kirihara hình như đã dùng tấm thẻ giả đó hai lần, rút khoảng
hơn hai trăm nghìn yên. Đáng kinh ngạc nhất là anh ta đọc được mật
khẩu dựa vào các số liệu ghi trên băng từ. Nhưng, trong chuyện này
cũng có nguyên lý của nó. Sự thật là, trước khi có được máy mã hóa,
hình như Kirihara đã thành công trong việc đọc khuôn thức của thẻ
từ.
Nhưng không có máy móc đặc thù, làm sao đọc được? Kirihara
từng biểu diễn cho Tomohiko xem một lần, đúng là khiến người ta
phải ngã dập mặt vì ngạc nhiên. Anh ta chuẩn bị những hạt bột từ
tính nhỏ li ti, rải trên băng từ của tấm thẻ. Chỉ thoáng sau, Tomohiko
“A.” lên một tiếng...
Trên dải băng từ xuất hiện những đường vân mỏng mảnh.
“Thực ra rất giống tín hiệu Morse,” Kirihara nói, “tớ thực hiện
thao tác này trên tấm thẻ đã biết trước mật khẩu là có thể hiểu được
ý nghĩa của khuôn thức. Tiếp sau đó dò ngược lại, cho dù không biết
mật khẩu, chỉ cần làm cho mô thức hiện ra, là biết được thôi.”