Sau đó, hai người bắt đầu làm giả thẻ ngân hàng. Đầu tiên, bọn
họ phân tích lại các mã ẩn ghi trên tấm thẻ, tìm ra quy tắc sắp xếp
bên trong, lần lượt là ký hiệu ban đầu, mã người dùng, mã chứng
thực, mật khẩu và mã ngân hàng. Tiếp đó, họ nhặt về rất nhiều các
biên lai hóa đơn vứt trong thùng rác ngân hàng, dựa theo quy tắc đã
tìm được, chuyển số tài khoản và mật khẩu tự đặt sang số hệ thập
lục phân và chữ số La Mã. Tiếp sau nữa, dùng máy mã hóa nhập
một loạt các số liệu và mã số vào dải từ, dán lên thẻ nhựa, là hoàn
thành. Tấm thẻ trắng mà Tomohiko rút được tiền mặt thành công lúc
nãy, chính là sản phẩm đầu tay của bọn họ. Họ chọn ra số tài khoản
có số dư lớn nhất trong số những biên lai nhặt về. Ý kiến của
Kirihara là như vậy sẽ khó bị phát hiện, Tomohiko cũng đồng tình.
Đây rõ ràng là hành vi phạm pháp, nhưng Tomohiko lại không
hề có cảm giác tội lỗi. Một trong các nguyên nhân có lẽ vì quá trình
làm thẻ giả quả thực quá giống chơi trò chơi điện tử. Hoặc cũng có
thể do hoàn toàn không nhìn thấy đối tượng mình lấy cắp. Thế
nhưng, lý do lớn hơn cả là trong đầu anh ta lúc nào cũng khắc ghi
câu nói cửa miệng của Kirihara.
“Nhặt đồ người khác đánh rơi không trả, và lấy thứ người ta
để lung tung tùy tiện chẳng khác gì nhau hết. Có lỗi là những kẻ để
túi đựng tiền bừa bãi kìa. Trong cái xã hội này, kẻ nào để cho người
khác có cơ hội lợi dụng, kẻ đó phải chịu thiệt.”
Mỗi lần nghe thấy những lời đó, Tomohiko vừa sợ hãi, vừa
thấy một thứ khoái cảm làm toàn thân run rẩy.