lên và cần có máy làm lạnh. May mắn thay lại có hàng ngàn vòi nước
phun mạnh làm cho khí quyển mát dần. Chiều tà mà tiếng xe cộ còn vang
lên. Đột nhiên người ta ngạc nhiên nhìn thấy từ không trung các ngôi sao
rơi xuống. Và hàng ngàn ngọn lửa vừa bừng sáng, ngăn chận hậu quả của
bóng tối. Các nhà cao sáu, bảy tầng nối liền nhau không dứt. Dưới mặt
đất cũng còn ngăn thành buồng, để cho dân cư họp thành đám đông trú
ngụ. Và để cốt giấu các kho tàng mà công nghiệp và thương mại sản xuất ra
trên quy mô lớn...”.
Con hơn cha là nhà có phúc. Vậy với lứa tuổi mới ngoài 20, Bạch
Thái Bưởi đã nhìn thấy gì?
Tất nhiên, cũng nhìn thấy cảnh vật kỳ diệu như thế, nhưng không chỉ
nhìn thấy mà Bạch Thái Bưởi còn suy nghĩ làm thế nào để xứ sở mình nay
mai cũng tiến bộ như Paris hoa lệ. Nhiều đêm ngồi trước gian hàng giới
thiệu sản phẩm của xứ sở mình, ông thoáng bùi ngùi. Cho dù người ngoại
quốc hết lời ca ngợi sản phẩm của nước nhà, nhưng thật ra những hàng
mỹ nghệ ấy chỉ là kết quả của sự khéo léo, của bàn tay tài hoa và sự
nhẫn nại của người thợ thủ công. Muốn có một sản phẩm phải mất quá
nhiều thời gian, làm sao có thể sản xuất được số lượng nhiều trong thời
gian ngắn nhất? Nếu không, thì làm sao có thể thu được lợi nhuận cao?
Nói tắt một lời, chúng ta chưa có được một dây chuyền công nghệ đặng
sản xuất hàng loạt. Đã thế, do chế tạo ra những sản phẩm mà sự thành
công phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm nên không ít người thợ giỏi đã giấu
nghề, không muốn truyền lại hoặc hướng dẫn cho người ngoài gia đình,
thậm chí con gái “nữ nhi ngoại tộc” cũng không được phép biết...
Điều này đã khiến cho Bạch Thái Bưởi suy nghĩ rất nhiều.
Những ngày này, trong trí óc của Bạch Thái Bưởi lại nhớ đến những
câu thơ của cụ Phan Thanh Giản. Có lẽ mình cũng đang mang tâm trạng,
cũng có nỗi lòng như quan Thượng thư bộ Lại triều Nguyễn khi sang
Pháp chăng?