để từ Trung Kỳ ra Bắc xem hội khánh thành cầu Paul Doumer. Lợi dụng
giấy thông hành này, cụ đã tìm đường lên Yên Thế bàn bạc kế hoạch cứu
nước với anh hùng Đề Thám. Riêng với Bạch Thái Bưởi, vốn là người
có tư duy về kinh tế, ông nghĩ đây là một cơ hội tốt để làm giàu, ông tiếp
nhận một cách hào hứng và có tính toán. Vì thế, ông mạnh dạn nghỉ việc
ở hãng thầu công chánh, xin vào làm đốc công ở công trình xây dựng
này. Xin việc ở đây không phải vì đồng lương cao hơn chỗ làm cũ, mà ông
muốn tìm hiểu người Pháp đang cần những vật tư gì. Nếu độc quyền cung
cấp vật tư đó, một thế giới khác hơn sẽ mở ra với cuộc đời!
Và thời điểm ấy, chàng họ Bạch đang ở phút phiêu bồng nhất khi
phác họa nét bút đầu tiên trong bức tranh sự nghiệp của mình...
ĐỒNG VỐN ĐẦU TIÊN
Làm giàu bằng cách nào khi mà kỹ thuật xây dựng cầu đối với
người Việt Nam thuở ấy vẫn còn xa lạ? Nhờ trước đây đã từng đi Pháp,
dịp đó, Bạch Thái Bưởi đã tranh thủ tìm đọc nhiều tài liệu khoa học kỹ
thuật của Pháp. Ít ai biết rằng, khi xuống tàu trở về nước thì trong hành
lý của ông, thứ đáng giá nhất vẫn là sách. Nhờ đó, ông đã biết ít nhiều
về kỹ thuật, vật dụng xây cầu và tự tin sẽ có thể kiếm được một số tiền
không nhỏ, nếu biết chớp lấy một cơ hội quý báu.
Cơ hội đó là nhận cung cấp tà-vẹt cho công trình này.
Tà-vẹt là “gối tựa” của các thanh ray tức là các khúc gỗ ngang để đặt
đường sắt lên trên. Nguồn tài nguyên này ở xứ Bắc Kỳ không thiếu.
Nếu biết khai thác và xử lý tại chỗ thì giá thành rẻ hơn chính quốc mà
lại không phải tốn thêm chi phí vận chuyển.
“Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang
cần. Nhưng phải kịp thời”.