Chính vì tin người nên ông mới giao cho nhiệm vụ quản lý, điều hành
công việc cho ông Lã Quý Chấn – hùn vốn làm ăn chung. Bởi hai lý do.
Thứ nhất, ông Chấn trước đây đã từng làm công cho người Hoa nên ít
nhiều đã thông thạo công việc. Thứ hai, quan trọng hơn, và cũng là chỗ
hơn người của Bạch Thái Bưởi khi nhận ra vai trò của ông Chấn. Theo ông,
trong số những người cộng sự thì ông Chấn có khả năng thu hút và tạo
được sự tín nhiệm cho khách hàng nhiều nhất. Vì ông Chấn là người của
Nho học, một nhà nho.
Tại sao?
“Cái tên nhà nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh
hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng
thượng lưu trí thức trong nước. Vì xưa kia ngoài Nho học không có cái học
nào khác nữa, nên phàm người đi học là học đạo Nho hết cả. Đạo Nho
có cái địa vị độc tôn, nên hầu như thành một tôn giáo; mà thực ra cũng
chính là cái quốc giáo của nước Nam từ xưa đến giờ. Những người
phụng sự cái quốc giáo đó, tức là nhà nho. Vậy thì nhà nho là kẻ có học
hành, biết chữ nghĩa; nhà nho là bậc thức giả xã hội trong nước; nhà nho
là tín đồ của cái tôn giáo họ Khổng. Về đường xã hội, về đường chính trị,
về đường tri thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một
chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức
được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước”.
(Phạm Quỳnh - Tạp chí Nam Phong số 172, tháng 5.1932).
Dù không lập luận được như thế, nhưng có thể bằng nhận thức, bằng
kinh nghiệm của một người lịch lãm từng trải, thậm chí bằng cả linh
cảm, Bạch Thái Bưởi đã nhận ra điều đó. Có như thế, ông mới giao việc
điều hành chung cho nhà nho Lã Quý Chấn. Theo ông, trong tâm lý của
người Việt đầu thế kỷ XX khi tiếp xúc với những người xuất thân từ cửa
Khổng sân Trình, tu tâm dưỡng tính theo đạo Thánh hiền đều có thái độ