Ông đã vận dụng cẩm nang gì? Một bài học sâu sắc ông để lại cho hậu
thế, thiết nghĩ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự là đánh thức
lòng tự hào dân tộc, sự đùm bọc theo ý nghĩa của huyền sử “đồng bào”,
của người trong một nước. Để qua đó, mọi người đồng lòng ủng hộ việc
làm của mình. Kinh nghiệm này về sau còn được ông vận dụng và tiếp tục
phát huy hiệu quả của nó.
Nếu so với Hoa kiều và Pháp kiều thì Bạch Thái Bưởi không có lợi thế
về vốn liếng. Số vốn của ông nhỏ hơn nhiều lần. Nhưng ông vẫn ăn nên làm
ra, vì biết cách vận động các thương nhân người Việt ủng hộ mình. Người
đến cầm đồ dù vẫn phải trả lãi suất bằng các nơi khác, nhưng ở đây họ
được gia hạn dài ngày hơn. Mấu chốt của vấn đề chính là chỗ này. Có
nghĩa đồng tiền sau khi nhận từ hãng cầm đồ của ông, nó có thời gian lưu
động dài hơn mà không phải chịu thêm lãi suất nào cả. Với cách làm này,
dần dần đã lôi cuốn được sự ủng hộ của nhiều người.
Nhờ biết sử dụng người, dám tin người và nghĩ ra phương thức mới
nên hãng cầm đồ của ông
ngày một làm ăn phát đạt. Ai ai cũng dốc lòng, dốc sức vì công việc
chung. Tất nhiên, khi thấy sự thành công của một người Việt mới mon men
bước vào nghề này, các chủ Hoa kiều, Pháp kiều lâu nay đang thống lĩnh thị
trường trở nên tức tối. Họ đã tung ra nhiều đòn phép nhằm đánh gục
đối phương. Trên tạp chí Nam Phong số 29 (1919) nhà báo Thượng Chi
(tức Phạm Quỳnh) ghi nhận: “Việc lĩnh trưng nhà cầm đồ này cũng lại
là một cuộc quyết chiến với bọn Khách (tức người Hoa), hình như cái số
ông hễ làm việc gì cũng phải tranh nhau với Khách, thật là ông tẩy chay
người Khách từ cái khi phong trào tẩy chay chưa nhóm lên, từ khi cái tiếng
tẩy chay chưa ai biết vậy. Nghĩ cho kỹ, đó chẳng qua cũng là một lẽ tự
nhiên; ông là lãnh tụ bọn nhà buôn An Nam, mà phần nhiều các mối
thương thuyền người mình là vào tay bọn Khách hết, vậy thời nhất cử
nhất động của mình về đường buôn bán là thế tất phải xung đột với
người Khách, không khỏi được. Việc cầm đồ ở Nam Định tòng tiền vẫn