của Tân thư do các nhà nho cấp tiến truyền vào Việt Nam trong thời điểm
này.
Tân thư – tên gọi chung các sách báo xuất hiện ở Nhật, Trung Quốc
và Việt Nam từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, có
nội dung giới thiệu các tư tưởng mới của Âu Mỹ được phổ biến trong
nước. Khi ta gọi Tân thư là nhằm phân biệt các sách báo cũ (Cổ thư) có
nội dung văn hóa – giáo dục truyền thống. Bấy giờ, trào lưu tư tưởng mới
của các nước châu Âu đã thâm nhập vào Nhật Bản – nhất là dưới thời
Minh Trị Thiên Hoàng (1868) và Trung Quốc – đứng đầu là các nhà tư
tưởng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn... – từ đó nó dội
vào Việt Nam thông qua con đường sách báo mà các nhà nho gọi là Tân
thư. Trước cái họa mất nước vì hệ tư tưởng phong kiến trong nước đã lỗi
thời, vì khoa học kỹ thuật tiến bộ của các thế lực xâm lược phương Tây,
các sĩ phu yêu nước của ta nhanh chóng tiếp thu Tân thư nhằm trang bị tư
tưởng mới để cứu nước. Từ đây, những tư tưởng mới của triết học Ánh
sáng – thế kỷ XVIII của nước Pháp – với Lư Thoa (J.J. Rousseau), Mạnh
Đức Thư Cưu (Montesquieu)... và các tư tưởng của các nhà triết học Âu -
Mỹ dần dần được các nhà nho tiếp thu– dĩ nhiên là qua bản chữ Hán.
Tân thư được du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Chẳng hạn, do
người Việt Nam đi nước ngoài đem về – như trường hợp Nguyễn Trường
Tộ; hoặc qua đường buôn của những Hoa kiều tại Hải Phòng, Sài Gòn, Đà
Nẵng...
Là nhân chứng của một thời điểm đầy biến động, về sau chí sĩ Huỳnh
Thúc Kháng có cho biết: “Địa ngục mấy tầng, ngọn triều Âu tràn vô ở bốn
mặt, đồng nội mịt mù, đêm dài dằng dặc, bỗng đâu gà hàng xóm gáy
lên một tiếng, giấc mộng quần chúng thoạt tỉnh dậy: sau cuộc Trung-
Nhật chiến tranh (1894), Canh Tý liên binh (1900), người Trung Hoa đã
dịch các học thuyết Đông Tây; sách báo của các danh nhân như Khang
Hữu Vi, Lương Khải Siêu; tạp chí của phái cách mạng Tôn Dật Tiên lần
lần lọt vào nước ta. Trong học giới có bạn đã sẵn tư tưởng quốc gia cùng
lòng đau đớn với giống nòi, được đọc loại sách báo nói trên, như trong