buồng tối, bỗng chợt thấy tia ánh sáng lọt vào, những học thuyết mới
“cạnh tranh sinh tồn”, “nhân quyền tự do” gần chiếm cả cái chủ đích môn
học khoa cử ngày trước, mà một tiếng sét nổ đùng, có sức kích thích
mạnh nhất, thấm vào tâm người Việt Nam ta là trận chiến tranh 1904 Nhật
Bản thắng Nga”.
Một trong những thay đổi ghê gớm nhất, mà các nhà nho sau khi tiếp
thu Tân thư đã tác động tích cực đến quốc dân là thay đổi quan niệm về
nghề buôn! Trong giáo trình Quốc dân độc bản của trường Đông Kinh
Nghĩa Thục đã mạnh dạn phê phán: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ
chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với
nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cúng,
ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa!”
Do quan niệm phải tiến thân bằng con đường “độc thư” với khoa cử nên
trước đây kẻ sĩ nước ta không đánh giá cao việc doanh thương, dẫu vẫn
biết “phi thương bất phú”. Trong mắt họ, “dẫu ai ruộng sâu trâu nái, đụn
lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ”, chỉ là “thằng mọi giữ của” mà
thôi (Hàn nho phong vị phú - Nguyễn Công Trứ)! Nhà nho đậu đến Hoàng
giáp là Trần Danh Án trong thư gửi cho con có khuyên: “Người ta nuôi
được thân thể, nuôi được vợ con không đến nỗi đói rét khổ sở là phải có
phương pháp: đọc sách, thi đỗ, yên hưởng lộc trời là bậc nhất; cày cấy mà
ăn, cần kiệm để lập cơ nghiệp là bậc thứ hai; làm thầy thuốc, thầy cúng,
nghề thợ, nghề buôn, được người ta nuôi mình là bậc thứ ba”.
Rõ ràng, trong mắt họ thì nghề buôn được xếp vào hạng thấp nhất!
Nghề buôn không đáng trọng. “Nhất nông, vi bản” hoặc “trọng nông,
ức thương” vẫn là quan niệm bất di bất dịch. Thậm chí, cơ cấu xã hội vẫn
còn duy trì sự sắp xếp thứ tự “sĩ, nông, công, thương”. Quan niệm này
đã tồn tại trong cấu trúc xã hội, trong tư duy của quốc dân hàng ngàn năm,
chính vì thế trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nước nhà có rất nhiều kẻ
sĩ dẫu có giỏi về nhiều mặt nhưng... không giỏi về kinh doanh!