Một khi đã nhận thức quan niệm cũ kỹ trên là một trong những lực
cản trở bước tiến của xã hội, các nhà nho cấp tiến, các nhà Tây học đã
khởi xướng phong trào Duy tân rầm rộ từ Nam chí Bắc. Các chiến sĩ
tiên phong của phong trào đã phát động đổi mới triệt để về mọi mặt. Không
chỉ “hóa dân” (mở mang dân trí), chung sức làm cho “cường quốc” (làm
cho nước mạnh) mà còn kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt
Nam”, khuyến khích mọi người bước vào công thương nghiệp, dũng
cảm kinh doanh, đầu tư cho sản xuất để cạnh tranh với ngoại bang...
Sự đổi mới từ quan niệm trong cách suy nghĩ đến thực tiễn của công
cuộc kinh doanh đã diễn ra, có thể ghi nhận là một cuộc cách mạng vĩ đại
đầu thế kỷ XX ở nước ta.
Khi đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói
chung, các nhà nho Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế,
Nguyễn Thượng Hiền, Phan Thúc Duyện, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao
Vân, Lê Bá Trinh, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi... đã
đặt nền móng trước nhất. Để làm gương cho quốc dân, các cụ vứt bỏ các
học vị tiến sĩ, phó bảng... thậm chí từ quan để mở trường dạy học theo lối
mới, nghĩa là dạy học trò ý thức phải chăm học để sau này làm những
việc ích nước lợi dân, chứ không phải để đạt đến mục tiêu cuối cùng của
đời người là ra làm quan; các cụ còn mở cửa hàng buôn bán (thương
cuộc), lập công ty (hợp thương) v.v...
Rầm rộ từ Nam chí Bắc, các cụ đã đồng loạt “gióng trống Duy tân,
giương cờ Thực nghiệp”. Chẳng hạn tại Nghệ An, cụ Ngô Đức Kế,
Đặng Nguyên Cẩn lập Triêu Dương thương quán... Ngoài Bắc, cụ Đỗ
Chân Thiết, Phương Sơn buôn gạo từ Thái Bình, Hải Dương về Hà Nội,
mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế (nghĩa là hội họp nhau cùng sinh lợi) tại phố
Mã Mây chuyên bán đồ nội hóa; cụ Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền mở
công ty Đông Thành Xương (thành Đông thịnh vượng) bán hàng tạp hóa
ở phố Hàng Gai; cụ Tùng Hương lên Phúc Yên mở hiệu buôn Phúc Lợi
Tế; cụ Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì v.v... Trong Nam,