nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói vận số không phải
do con người quyết định. Lụt lội, hạn hán thì không trách cứ là không có
kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên
tai không phải do người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì lại nói con người
sống chết là do số mệnh, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ
thành, người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! Sao lại có
những cách nói tự hại mình đến thế? Sức người không làm được mà đổ
tội cho trời, trời có nhận tội cho đâu. Thời buổi này là thời buổi đại
cạnh tranh. Cạnh tranh về học thuật, cạnh tranh về công nghiệp, không
mặt nào là không cạnh tranh, đâu phải chỉ cạnh tranh về đất đai, lãnh thổ
mà thôi? Cạnh tranh với một nước, cạnh tranh cùng nhiều nước, cạnh tranh
với người cũng là cạnh tranh với trời. “Ưu giả thắng, liệt giả bại”
(mạnh được, yếu thua), lùi lại một nước là chết, không còn đất đặt chân
nữa. Nguy hại thay! Người có chí, không thắng được người thì lấy làm sỉ
nhục, tức cũng là không thắng được trời thì lấy làm sỉ nhục. Biết giữ vệ
sinh, tuổi thọ trước kia thấp, ngày nay sẽ cao. Có kế hoạch phòng đói kém
thì ngày trước lụt lội, hạn hán nhiều, ngày nay ít. Đâu phải tại trời, và
không thể thắng được trời”.
Tư tưởng chủ đạo này sẽ còn được Bạch Thái Bưởi vận dụng suốt
một đời. Để rồi ngày ông về chín suối, người ta bất ngờ khi biết chỉ vài
giây trước đó ông đang đọc lại đoạn văn này.
Đó là một trong những bài học đầu tiên dạy ông về ý thức kinh doanh
và yêu nước một cách tự giác, bỏ qua giai đoạn tự phát ban đầu.