Chương 7. “LÀM RA CỦA CẢI LÀ MỘT ĐẠO LÝ LỚN!”
Sinh ra vào thời loạn lạc, lại gặp những người anh hùng đang ngày
đêm dấy nghĩa, một nhà buôn như Bạch Thái Bưởi đã tự nhận trên vai
mình một gánh giang san còn nặng hơn cả cơ nghiệp của ông: Làm cho
rạng rỡ oai danh của người Việt trong lĩnh vực kinh doanh.
Ông đã khẳng định: Chừng nào tôi còn sống, thì người Pháp đừng nghĩ
đến việc bắt chẹt chuyện đi lại của dân Việt.
NHỮNG CHIẾC THUYỀN MANG TÊN ANH HÙNG DÂN
TỘC
Năm 1917. Đây là năm nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt
trong quân đội Pháp đóng ở Thái Nguyên. Chủ soái chỉ huy là Đội Cấn,
dưới sự tham mưu của tù chính trị Lương Ngọc Quyến. Lần đầu tiên có
một tỉnh lỵ đã bị quân khởi nghĩa chiếm giữ, làm chủ trong vòng 6 ngày,
treo cờ “Nam binh phục quốc”, giải phóng toàn bộ tù nhân đang bị giam
giữ... Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, kéo dài nhất và có tiếng
vang lớn nhất ở nước ta trong thời kỳ Đại chiến Thế giới lần thứ Nhất.
Có thể ghi nhận đây là cuộc “binh biến” lớn nhất kể từ năm 1884, cái
năm đánh dấu chính sách dùng người Việt đánh người Việt lần đầu tiên
được thực hiện ở Bắc Kỳ. Theo đề nghị của trung tướng Millot – chủ tịch
Hội đồng cai quản Bắc Kỳ – ngày 12.5.1884 thực dân Pháp ký sắc lệnh
chính thức thành lập hai trung đoàn lính ngụy đầu tiên. Chúng thực hiện
công khai, có quy mô và buộc làng xã phải cung cấp đủ số người cho
mỗi đợt bắt lính. Dù bị ép buộc cầm súng tiếp tay kẻ thù đàn áp các cuộc
khởi nghĩa của người trong một nước,nhưng nếu được giác ngộ họ sẵn
sàng quay họng súng, đứng về phía chính nghĩa.