Cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên dẫu thất bại, bị thực dân dìm trong
máu nhưng đã tạo ra một tiếng vang rất lớn trong dư luận, gây chấn động
toàn Đông Dương. Ngay cả cụ Huỳnh Thúc Kháng, bấy giờ đang bị
giam ở nhà lao Côn Đảo cũng hay tin và có bài thơ khoái trá lạ thường:
Giữa đất bằng nghe trận sét rền
Tiếng gươm ngục tối dội rầm lên!
Cái chết oanh liệt của những nghĩa quân này đã ảnh hưởng sâu sắc
đến nhận thức của nhiều thế hệ. Sinh thời, Nguyễn Thái Học thường tâm
sự với bạn bè: “Từ năm tao lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở
nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng
làng bên cạnh. Làng ấy là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại
mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là
bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế
nào báo được thù cho con tôi!”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại
bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù
cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!”. Lớn
lên, Nguyễn Thái Học đã sáng lập ra Việt Nam Quốc dân đảng, lãnh đạo
cuộc khởi nghĩa Yên Bái, dù “không thành công cũng thành nhân”.
Với Bạch Thái Bưởi, chưa biết mặt anh hùng Đội Cấn, nhưng Lương
Ngọc Quyến thì ông có nghe tên khi đến dự những buổi bình văn tại
trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vì ông Quyến là con trai của Thục trưởng
Lương Văn Can. Hành động oanh liệt này khiến Bạch Thái Bưởi rất khâm
phục, và suy nghĩ rất nhiều. Theo ông, mỗi người có một cách để bày tỏ
tấm lòng son đối với nước non. Nếu các bậc đàn anh dám đem thân mình
ra chống chọi với hòn tên mũi đạn, thì tại sao ta không dám thể hiện một
bản lĩnh ngoan cường tương tự như thế?
Chính vì thế, khi hay tin công ty chuyên chở đường biển Deschwanden
phá sản, ông quyết định mua nốt sáu chiếc thuyền và một số sà lan của