công ty rất nổi tiếng này.
Sự việc này, xét trên bình diện của thời cuộc đang diễn ra, rất có ý
nghĩa về chính trị.
Những chiếc tàu của Deschwanden dẫu là những tàu cũ và nát lắm,
nhưng ông vẫn bỏ ra một số tiền lớn để tranh mua, không để lọt vào tay
người Hoa, người Pháp. Nhiều người can ngăn vì sự mua bán này không có
lợi về kinh tế, đó là điều mà một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm như ông
phải tránh, nhưng ông vẫn chấp nhận. Ông có lý của ông, nếu đọ về súng
đạn thì người Việt ta chưa thể bằng ngoại bang, nhưng về kinh thương thì
chưa hẳn họ đã họ trói chân, buộc tay được ta. Thái độ và hành động của
Bạch Thái Bưởi khi mua lại toàn bộ tài sản của một công ty từng “làm
mưa làm gió” trên đường thủy xứ Bắc Kỳ đã làm nhiều người Việt mát
lòng hả dạ.
Không những thế, ý thức chính trị của ông cũng thể hiện rõ nét khi lấy
tên của các anh hùng trong sử sách nước nhà đặt tên cho tàu của mình
như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê
Lợi, Hàm Nghi...
Thật ra, khi mua lại những tàu “đồng nát” của công ty Deschwanden,
Bạch Thái Bưởi còn ngầm tính đến một yếu tố khác mà không mấy ai
nhìn ra. Tưởng là đắt, nhưng thật ra là rẻ. Nếu ta không nhanh tay thì
chủ nợ của công ty này sẽ mua ngay. Như thế, ta phải tiếp tục đối đầu
với một đối thủ cạnh tranh mới. Hơn nữa, nay có nhà máy trong tay thì ta
cho sửa chữa lại, chứ có phải ném tiền xuống giếng đâu!
Đến năm 1919, công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa
phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến
các thuyền phụ; 20 sà lan bằng gỗ bằng sắt; 13 chiếc cầu tàu đứng, 16
chiếc cầu tàu nổi v.v... Ngoài tàu mang tên các anh hùng dân tộc, ông còn
có các tàu Phi Thượng, Phi Long, Phi Hổ, Bái Tử Long, Khâm Sai, Kinh
Lược, Tổng Đốc, Yên Bái, Phố Lu, Chợ Bờ...