Thật không ngoa khi ta đánh giá Bạch Thái Bưởi là vị tướng cầm
quân tài ba. Số lượng công nhân làm việc cho ông lên đến hàng ngàn,
nhưng họ không biểu tình, đình công như hầu hết các công ty lúc bấy giờ.
Tại Hải Phòng ngót một ngàn người, chia làm hai hạng, hạng làm việc văn
phòng và ở các tàu: 271 người, hạng làm thợ trong xưởng máy: 692
người; ở Nam Định: 199 người; ở Hà Nội: 108 người; ở Tuyên Quang:
69 người; ở Bến Thủy: 59 người; ở Việt Trì: 17 người... Ngoài ra còn có
những người làm đại lý, đốc công trong nhà máy, thư ký văn phòng...
Thử tính số lương, ta thấy số tiền lên đến vài vạn bạc chứ không phải là
ít.
Sau khi có nhà máy trong tay, Bạch Thái công ty bắt đầu tiến hành tu
sửa, tân trang các tàu. Đành rằng làm việc này vì chất lượng tàu phải tốt
mới có khả năng cạnh tranh với tàu của người Hoa, người Pháp, nhưng
như thế vẫn chưa đủ.
Tầm nhìn của Bạch Thái Bưởi hơn người ở chỗ, ông nắm đúng tâm
lý của hành khách đi tàu.
Nghĩa là trong kinh doanh, ông luôn nghĩ đến “thượng đế” để có cách
phục vụ tốt nhất. Ông quan niệm, khách của mình đa phần là những
nông dân như chị Dậu, anh Pha, Thị Nở, Thị Mịch, lão Hạc, Chí Phèo,
thằng Mõ; là những thị dân như Kép Tư Bền, bà Phó Đoan, Xuân Tóc
Đỏ... chứ không phải những bậc “thượng lưu trí thức”, những “nhà tư
sản”, những “ông Tây mắt xanh mũi lõ”... thì “nội thất” của tàu phải phù
hợp với các đối tượng trên. Vì thế các tàu của người Hoa, người Pháp sau
khi mua lại, ông đều cho thay đổi lại toàn bộ. Sự thay đổi này khiến người
dân quê buôn gánh bán bưng, buôn thúng bán mẹt không e ngại “đi tàu
quá sang” vì sợ “chắc là vé mắc đây”.
Như vậy cũng chưa đủ.