Nói gì thì nói, dù có thay đổi hình thức gì thì giá vé vẫn là yếu tố
quyết định. Bạch Thái Bưởi luôn tìm cách xem xét giảm giá một cách
hợp lý. Hạ giá vé chút xíu nhưng bù lại, khách đi tàu tăng gấp bội.
Những năm đầu thế kỷ XX, giá vé Hải Phòng
- Nam Định là 1,50 đồng, tương đương với một gánh thóc. Chỉ có nhà
giàu cỡ Nghị Quế, Bá Kiến mới dám làm đôi chuyến, chứ chị Dậu, Thị
Nở nào dám bén mảng đến? Với suy nghĩ đó, năm 1919, Bạch Thái
Bưởi đặt giá vé cho người Việt, vẫn tuyến nói trên, như sau: ca-bin (hạng
nhất): 1,00 đồng; hạng hai: 0,30 đồng, boong (hạng ba): 0,20 đồng... Ông
phân ra nhiều loại giá vé khác nhau, để phục vụ cho nhiều đối tượng, tùy
theo túi tiền của họ. Đây là cách làm thông minh, không phải chủ tàu nào
cũng nghĩ ra. Nhờ vậy hành khách lên xuống tàu ông đủ hạng người,
đông vui như trẩy hội, đủ mọi thành phần.
Muốn được như thế, thì phải cải tiến lại tàu.
Sau khi thâu tóm toàn bộ cơ ngơi của hai công ty lừng danh
Deschwanden, Marty - D’Abbadie, Bạch Thái Bưởi còn nhận cả nhân
công của họ làm việc cho mình mà ông tin họ sẽ hết lòng phục vụ. Đang
đứng trước nguy cơ thất nghiệp, được ông nhận vào làm, họ khác nào chết
đuối vớ được phao? Như thế, lẽ nào họ không làm việc cho tử tế? Ông đã
thấy được cái lợi lâu dài và trước mắt, là được sử dụng những người
thợ lành nghề. Không những không mất thời gian đào tạo mà thậm chí, họ
còn góp phần đào tạo tay nghề cho thợ của ta.
Nhưng không chỉ có thế. Việc đào tạo, thu hút những tay thợ lành
nghề luôn canh cánh trong lòng của Bạch Thái Bưởi. Ông đã có ý định
mở trường kỹ nghệ ngay trong nhà máy. Trường này thâu nhận các em
thầy thợ đang làm việc cho ông, các thanh thiếu niên yêu thích nghề máy
móc, có đầu óc thực nghiệp. Đây sẽ là nguồn cán bộ, công nhân thay thế vị
trí của những người đi trước lúc họ đến tuổi nghỉ việc. Tầm nhìn của ông
sâu xa và có sự tính toán chiến lược, chứ không phải của một người chỉ
biết “ăn xổi ở thì”. Tính cách này hiếm thấy ở người kinh doanh Việt