thuật đóng tàu, về vận hành máy móc không thua bất cứ kỹ sư chuyên
môn nào. Ông thường bảo:
- Ngày xưa, cụ Cao Thắng chỉ xem qua các kiểu súng của Pháp mà chế
tạo ra các khẩu súng mới. Lúc ấy, cụ cùng các nghĩa quân của tướng
quân Phan Đình Phùng sống trong rừng sâu núi thẳm, thiếu thốn trăm bề
nhưng cụ cũng làm được. Chẳng lẽ nay ta có trong tay đầy đủ máy móc,
nhưng lại không làm được như cụ à?
Công trình đáng kể nhất của ông Phúc vẫn là chế tạo chiếc tàu mang
tên Bình Chuẩn, là một sự kiện gây tiếng vang rất lớn lúc đương thời. Tài
trí như ông Phúc, ý tưởng táo bạo của ông Phúc nếu không được sự ủng
hộ, tán thành và đầu tư kinh phí của Bạch Thái Bưởi thì liệu có thực hiện
được không? Điều này cho thấy bản thân ông Bạch, dù là một nhà doanh
nghiệp nhưng cũng có thiên hướng về công việc có tính chất sáng tạo
của khoa học kỹ thuật.
Trước lúc bắt tay vào công việc, ông Phúc đã trực tiếp trình bày kế
hoạch với ban quản trị của Bạch Thái công ty. Về kinh phí, thời gian thực
hiện, nhân công được mọi người thông qua nhanh, vì đây là kế hoạch
được sự thống nhất trong mọi thành viên, nay chỉ đợi ấn định ngày tiến
hành. Cái khó nhất là đặt tên chiếc tàu này như thế nào? Đã đến khuya,
nhưng mọi ý kiến vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng Bạch Thái Bưởi bảo hãy để
ông suy nghĩ thêm, và sẽ có câu trả lời vào ngày sớm nhất.
Sau cuộc họp, suốt đêm hôm đó ông lại trằn trọc. Mãi đến lúc gà gáy
canh ba mới chợp mắt. Những trang sử nước nhà vẫn lẩn quất trong giấc
ngủ chập chờn. Những ngày sau, ông vẫn chưa tìm được cái tên ưng ý.
Lấy tên của danh nhân để đặt thì mình đã làm rồi, hơn nữa, nó cũng chưa
có sức khái quát cho ý nguyện của ông. Lấy tên một địa danh cụ thể? Tàu
của mình sẽ xông pha khắp năm châu bốn biển kia mà. Chẳng lẽ lấy tên
mình? Lố bịch! Cuối cùng, ông quyết định chọn cái tên Bình Chuẩn.
Tại sao?