trí tưởng tượng phong phú gì cũng thừa biết có cố đến mấy, ông ta vẫn thất
bại.
– Chúc bác Giáng sinh vui vẻ! Chúa phù hộ bác! - Một giọng phấn khởi
kêu to.
Đó là tiếng cháu trai của Scrooge, anh ta bước vào nhanh đến mức ngay
từ tiếng báo hiệu đầu tiên đã thấy anh ta đến gần.
– Chà! - Scrooge nói. - Láo toét!
Người cháu của Scrooge đã phải hâm nóng người bằng cách đi bộ nhanh
trong sương mù và giá rét, nên toàn thân nóng bừng. Bộ mặt anh hồng hào
và điển trai, cặp mắt lấp lánh, hơi thở bốc khói.
– Kìa bác, Giáng sinh mà láo toét ư! - Người cháu nói. - Cháu chắc bác
không định nói thế chứ?
– Tao nói thế đấy, - Scrooge đáp. - Giáng sinh vui vẻ! Vui cái nỗi gì?
Mày có lý do gì mà vui, hả? Mày khá là nghèo.
– Kìa bác, - người cháu hoan hỉ đáp lại. - Bác buồn cái nỗi gì kia chứ?
Bác có lý do gì mà rầu rĩ? Bác khá là giàu.
Tình thế ấy khiến Scrooge thà không trả lời còn hơn, ông ta nói lần nữa:
– Chà! - Rồi, tiếp theo là, - Bịp bợm!
– Đừng trái khoáy thế, bác! - Người cháu nói.
– Thì tao còn biết làm gì nữa, - ông bác đáp, - khi tao sống trong một thế
giới đầy những chuyện lừa phỉnh như thế này? Giáng sinh vui vẻ cái cóc
khô! Xéo đi với cái Giáng sinh vui vẻ! Với mày, dịp Giáng sinh là lúc phải
thanh toán mọi hóa đơn mà không có tiền, là lúc mỗi năm thấy mình già
hơn, không có một giờ giàu có hơn, là lúc cho mày cân đối sổ sách, xem
xét từng khoản trong suốt mười hai tháng có gì uổng phí không? Nếu tao có
thể điều khiển được ý chí, - Scrooge nói, phẫn nộ, - thì mỗi thằng ngốc nào
đến chúc “Giáng sinh vui vẻ”, đáng luộc nó cùng cái bánh pút-đinh của nó
và chôn cùng cái cọc nhựa ruồi xuyên qua tim. Nó đáng thế lắm!
– Kìa bác! - Người cháu năn nỉ.