nhắc liều lượng những người ở Kuriajê cho vào các đội với một độ chính
xác của nhà bào chế, lưu ý đến những quan hệ bạn thân và những vực căm
thù, đến những tính cách, xu hướng, những thiện cảm và ác cảm. Đội đặc
biệt tiên phong thực đã chẳng uổng công mò mẫm ở các phòng ngủ trong
hai tuần lễ.
Cũng vẫn sự quan tâm có ý thức ấy đã chỉ đạo việc phân phối các trại viên
Gorki: khỏe và yếu, cương quyết và nhu nhược, nghiêm ngặt và vui vẻ,
những trai đáng mặt và những anh chàng vầy-vậy, ai nấy đều được xếp đặt
đúng chỗ do sự nhìn nhận toàn diện về mọi mặt.
Ngay đối với nhiều người của trại Gorki, những đường nét quả quyết của
bản tuyên ngôn cũng là một điều mới mẻ; còn bọn Kuriajê thì nghe Jorka
đọc nó thảy đều choáng váng. Lúc đó còn thấy có những đứa thầm thì hỏi
đứa bên cạnh về một chữ nào đấy nghe không rõ, hoặc sửng sốt đứng kiễng
chân nhòm ngó vòng quanh; đến chỗ mạnh nhất, có đứa còn kêu lên: “Ái
chà!” là khác nữa, nhưng khi Jorka đọc xong thì cả phòng đều yên tĩnh, cái
yên tĩnh chỉ bị gợn vì những câu hỏi nhỏ, rút rát, hầu không thành hình và
câm lặng: Làm gì đây! Trốn đi đâu? Phục tùng, phản đối, làm xáo lộn? Vỗ
tay, cười hay nguyền rủa?
Jorka khiêm tốn cuộn lại một tờ giấy nhỏ. Lapô đưa mắt nhìn khắp quần
chúng bằng một cái nhìn châm biếm qua cặp mi mọng của hắn, và ngáp lên
một cái tinh quái:
- Tớ thì tớ chả thích cái chuyện này. Tớ là một trại viên Gorki cũ, tớ có
giường, có đệm, có chăn của tớ. Thế mà bây giờ tớ lại phải đi nằm dưới một
bụi cây. Mà cái bụi cây ấy ở chỗ nào chứ? Kutlaty ơi, cậu là đội trưởng của
tớ, vậy cậu hãy bảo cho tớ biết cái bụi cây của tớ nó ở đâu?
- Mình đã chọn trước rồi, cố ý chọn riêng cho cậu đấy.
- Thế ở trên cây ít nhất cũng có cái gì mọc ra chứ? Có lẽ anh đào chăng, hay
là táo hử? Và nếu lại có một con họa mi nữa thì thú nhỉ? Có chim họa mi
không, hử Kutlaty?