Bấy giờ là mùa đông. Tôi đi ra ga để chào bà Maria Konđratiepna và nhờ bà
chuyển hộ một bức công văn khẩn về Khackôp. Tôi gặp bà ta ở sân ga,
đang tranh cãi gay go với một người lính cảnh vệ đường sắt. Người lính
nắm cánh tay một cô gái vào trạc mười sáu tuổi, chân không bít tất, đi giày
cao su. Cô gái khoác trên vai một chiếc áo choàng ngắn, kiểu đã cũ, có lẽ là
của một bà già tốt bụng nào cho cô ta. Cái đầu để trần trông thật gớm ghiếc.
Mớ tóc vàng rối bù không còn màu vàng nữa: nó phồng lên ở một bên phía
sau tai thành một cái gối dầy, rất êm, rồi vươn lên trán và xuống má thành
những búi sẫm màu và dính bết. Cô giằng co gỡ mình ra khỏi tay người lính
mà nhoẻn miệng cười: một cô gái rất xinh. Nhưng trong đôi mắt tươi cười
và linh lợi, tôi có thể nhận thấy những tia u ám của sự thất vọng bất lực của
một con thú dữ nhỏ yếu đuối. Nụ cười là hình thức tự vệ duy nhất, là khóe
ngoại giao nhỏ mọn của cô ta.
Người lính bảo Maria Konđratiepna:
- Đồng chí lý luận thì hay thật đấy, đồng chí ạ, nhưng đồng chí có biết đâu
mọi cái khó chịu mà nó gây cho chúng tôi. Mày đã ở trên tàu tuần lễ trước
có phải không? Và say rượu nữa...có đúng không?
- Tôi say rượu bao giờ chứ? Anh ấy bịa hết. Cô gái vừa nói vừa mỉm cười
với người lính, lần này thì là một nụ cười hoàn toàn quyến rũ, rồi cô đột
nhiên gỡ cánh tay anh ta nắm và đưa vội nó lên môi, như thể nó khiến cô
đau lắm. Rồi cô nói với một vẻ đỏm dáng bình tĩnh:
- Đấy, thế là tôi đã thoát khỏi tay anh.
Người lính gác muốn tiến lại phía cô, nhưng cô nhảy lùi lại ba bước rồi phá
lên cười khiến từ đầu đến cuối sân ga đều nghe thấy, không để ý gì đến đám
đông vây quanh chúng tôi.
Maria Konđratiepna đang hoảng hốt nhìn quanh, chợt trông thấy tôi:
- Ô, Antôn Xêmiônôvich, ông bạn tốt của tôi!
Rồi kéo tôi ra một góc, bà nói nhỏ một cách sôi nổi: