Dylan được chuyển tới khu chăm sóc đặc biệt. Tôi dần nhận thấy cha
mẹ của những đứa trẻ mới sinh đều cần những chỉ bảo rất cụ thể từ các bác
sĩ và y tá. Ở Magee, họ đã làm một công việc thật tuyệt vời, đồng thời
truyền đạt hai điều khá trái ngược nhau. Họ nói với các ông bố bà mẹ rằng:
1) Con của bạn rất đặc biệt và chúng tôi biết yêu cầu y tế của nó là duy
nhất, và 2) Ðừng lo lắng, chúng tôi đã chăm sóc cả triệu trẻ sơ sinh giống
như con các bạn.
Dylan chưa hề phải dùng máy thở, nhưng ngày qua ngày, chúng tôi vẫn
căng thẳng lo sợ sức khỏe của thằng bé có thể xấu đi. Thật là còn quá sớm
để có thể hoàn toàn ăn mừng cho gia đình mới ba-nhân-khẩu của chúng tôi.
Hàng ngày khi lái xe tới bệnh viện, trong đầu Jai và tôi luôn luôn có câu hỏi
mà không ai dám nói ra: “Liệu con có còn sống khi chúng mình tới nơi
không?”
Một hôm, chúng tôi tới bệnh viện, và cái nôi của Dylan đã biến mất. Jai
gần như ngã quỵ vì xúc động. Còn tim tôi thì đập loạn. Tôi túm áo cô y tá
đứng gần nhất, và hầu như không nói được câu nào cho trọn vẹn. Tôi lo sợ
đến mức giọng rời rạc, đứt quãng.
“Đứa trẻ. Tên Pausch. Ở đâu?”
Lúc đó, tôi thấy mình kiệt quệ một cách khó có thể giải thích nổi. Tôi lo
sợ mình sẽ phải bước vào một chỗ tối mà từ trước tới nay chưa hề được mời
đến bao giờ.
Nhưng cô y tá lại cười. “Ôi, con của anh chị rất khỏe nên chúng tôi đã
chuyển cháu lên tầng trên để nằm nôi mở.” - cô nói. Dylan trước đây đã
phải nằm “nôi kín”, đó là một từ nhẹ nhàng để mô tả cái lồng nuôi trẻ sinh
non.
Thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi leo lên tầng trên, và đây Dylan, đang
khóc hét theo kiểu của nó để bước vào tuổi thơ.
Sự ra đời của Dylan là một nhắc nhở cho tôi về các vai mà chúng ta
phải đảm nhận trong cuộc đời. Jai và tôi đã có thể làm cho mọi việc trở nên