toàn thể lịch sử nhân loại, chắc là trước Sumer
nền văn minh khác. Chúng ta chỉ mới khai quật các di tích hồi gần đây!
Chúng ta phải làm việc bằng những kiến thức cục bộ, không trọn vẹn, và
chúng ta chỉ tạm thời phỏng đoán thôi, về sử học cũng như về khoa học,
chính trị học, phải thận trọng đừng tin các quy tắc, các định thức, bất kỳ
định thức nào. “Lịch sử bất chấp cái tham vọng của ta muốn dồn dòng lịch
sử vào những đường vạch sẵn của luận lý, nó thoát ra khỏi những quy nạp
khái quát của ta, nó phá tan những quy tắc của ta, nó kỳ cục lắm”. Chưa
biết chừng, trong những giới hạn đó, chúng ta lại học được của lịch sử tạm
đủ để kiên nhẫn chịu đựng được thực tại và tôn trọng những ảo tưởng của
nhau.
Con người là một khoảnh khắc trong thời gian của các tinh tú, một khách
qua đường trên địa cầu, một bào tử của chủng loại, một miêu duệ của nòi
giống, một phức hợp gồm thể xác và tinh thần, một phần tử của một gia
đình và một cộng đồng, một tín đồ hay một kẻ hoài nghi, một đơn vị kinh tế
và có lẽ là công dân một quốc gia hoặc là binh sĩ trong một quân đội nữa.
Vậy thì chúng ta có thể lần lượt đứng về phương diện thiên văn, địa chất,
địa lí, sinh lý, nhân chủng, tâm lí, luân lí, tôn giáo, kinh tế, chính trị và
chiến tranh, mà tự hỏi lịch sử về mỗi phương diện đó, dạy cho chúng ta biết
được những gì về bản thể, thái độ và tương lai của con người. Đem cả trăm
thế kỷ lịch sử mà gom lại trong một trăm trang kết luận liều lĩnh, thì quả là
một việc làm bấp bênh và điên khùng! Nhưng chúng tôi cũng làm thử xem.