BÀI HỌC CỦA LỊCH SỬ
CHƯƠNG I: DO DỰ
Sử gia, khi làm xong một công việc nghiên cứu nào rồi, thường tự hỏi
câu này: công lao khó nhọc của mình có cống hiến được chút gì không?
Hay là mình chỉ tìm thấy được cái thú kể lại những thăng trầm của các dân
tộc, các tư tưởng, chép lại những “truyện buồn về cái chết của các vua
chúa”? Mình đã hiểu bản tính con người hơn những người thường chưa bao
giờ đọc một trang sách nào không? Lịch sử có giúp mình hiểu thêm được
thân phận con người không, có hướng dẫn mình trong sự phán đoán và
hành động không, có chỉ cho mình cách đối phó với những sự bất ngờ trong
đời sống hoặc những nỗi phù trầm của thời đại không? Trong sự liên tục
của các biến cố, mình có tìm được những nhịp điệu đều đều giúp mình tiên
đoán được những hành động sau này của nhân loại hay vận mạng của các
Quốc gia không? Hay là rất có thể, rốt cuộc, “lịch sử chẳng có ý nghĩa gì
cả”
. Chẳng dạy cho ta được gì cả, mà thời dĩ vãng mênh mông chỉ là một
chuỗi dài chán ngắt gồm những lỗi lầm sau này sẽ tái hiện nữa một cách đại
qui mô hơn?
Đôi khi chúng tôi có cảm tưởng đó mà đâm ra hoài nghi. Trước hết,
chúng ta có biết thực sự dĩ vãng ra sao không, cái gì đã thực sự xảy ra
không, hay là lịch sử chỉ như “một ngụ ngôn” không hẳn ai cũng “chấp
nhận”. Bất kì là về biến cố nào, sự hiểu biết của chúng ta về dĩ vãng luôn
luôn thiếu sót và có phần chắc là sai lầm nữa: Nó dựa trên những chứng cứ
hàm hồ, khả nghi của những sử gia thiên kiến, và có lẽ nó còn chịu ảnh
hưởng những ý kiến chính trị hay tôn giáo của chính ta nữa. “Phần lớn lịch
sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”
. Ngay
một sử gia tự cho rằng mình đã vượt được những thiên kiến về xứ sở,
chủng tộc, tín ngưỡng hoặc giai cấp, cũng để lộ những thiên ái thầm kín
của mình trong cách lựa chọn tài liệu và dùng hình dung từ. “Sử gia luôn
luôn đơn giản hoá quá mức (các biến cố) và trong các đám đông tâm hồn và
biến cố phức tạp mênh mông không làm sao bao quát được, ông ta đành