có tôn giáo đó thì chúng ta sẽ ra sao?… Nếu chủ nghĩa duy lí muốn ngự trị
thế giới mà chẳng cần biết những nhu cầu tôn giáo của linh hồn, thì kinh
nghiệm cuộc Cách mạng Pháp còn đó để chỉ cho ta thấy hậu quả của sự
nhầm lẫn đó”.
Lịch sử có xác nhận kết luận của Renan không, tôn giáo có cần thiết cho
luân lí không, vì một nền đạo đức tự nhiên yếu quá không đủ thắng những
bản năng tiềm tàng dưới cái lớp sơn văn minh và lâu lâu lại biểu lộ trong
những mộng tưởng, tội lỗi và chiến tranh của chúng ta. Joseph de Maistre
trả lời câu đó như sau: “Tôi không biết lòng một tên vô lại ra sao; nhưng tôi
biết lòng một chính nhân: Thật tởm!”. Cho tới ngày nay, trong lịch sử chưa
có một trường hợp quan trọng nào mà một xã hội không cần tôn giáo cũng
duy trì được đạo đức
. Pháp, Hoa Kì và vài xứ khác đã làm cho chính
quyền tách ra, độc lập đối với các Giáo hội, nhưng vẫn nhờ tôn giáo giúp
đỡ để duy trì trật tự xã hội. Chỉ có vài nước cộng sản là không những đoạn
tuyệt với tôn giáo mà còn không thèm nhờ tôn giáo giúp đỡ nữa; mà có thể
rằng kinh nghiệm đó hiện nay có vẻ thành công ở Nga là vì họ đã tạm thời
dùng chủ nghĩa cộng sản làm tôn giáo (kẻ hoài nghi bảo là thuốc phiện) của
dân chúng, thành thử chủ nghĩa đó thay tôn giáo mà ban bố niềm an ủi và
hi vọng cho dân chúng. Nếu chế độ cộng sản thất bại trong việc gắng sức
diệt sự nghèo khổ, thì tôn giáo mới đó sẽ mất nhiệt thành và hiệu quả; lúc
đó có thể rằng Quốc gia lại ước mong trở về những tín ngưỡng siêu nhiên,
để được giúp sức mà bịt miệng phe đối lập. “Hễ còn cảnh khốn khổ thì còn
thần linh”.