CHƯƠNG VIII: KINH TẾ VÀ LỊCH SỬ
Karl Marx cho lịch sử là sự tác động của kinh tế; sự cạnh tranh giữa các
cá nhân, các tập đoàn, các giai cấp và các Quốc gia để giành nhau thực
phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu và sức mạnh về kinh tế. Các chế độ chính trị,
các giáo đoàn giáo hội, các công trình văn hóa, hết thảy đều xây dựng trên
sự kiện kinh tế. Chẳng hạn, chính cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo
chế độ dân chủ, chủ nghĩa nữ quyền, sự hạn chế sinh dục, chủ nghĩa xã hội,
sự suy tàn của tôn giáo, sự đồi bại của phong hóa và một văn chương thoát
li khỏi sự bảo trợ của quí tộc, mà chủ trương hiện thực đã thay thế chủ
trương lãng mạn; và sau cùng… cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo
quan niệm dùng kinh tế để giải thích lịch sử – tức kinh tế sử quan.
Những nhân vật siêu quần trong các phong trào đó là hậu quả, chứ không
phải là nguyên nhân
: nếu người Hi Lạp không muốn chiếm eo biển
Dardanelles để buôn bán thì không khi nào người ta được nghe nhắc tới
những tên như Agamemnon, Achille, Hector; chính tham vọng kinh tế chứ
không phải dung nhan của nàng Hélène “đẹp hơn trời chiều có ngàn ngôi
sao trang điểm” đã khiến cho người Hi Lạp đem một hạm đội vĩ đại tấn
công thành Troie; họ giảo hoạt lắm, đã khéo dùng những mĩ từ để che đậy
một sự thực kinh tế trần truồng như các nhà điêu khắc thượng cổ dùng lá
nho để thay bộ phận sinh dục của đàn ông
Không ai chối cãi rằng kinh tế sử quan giảng cho ta hiểu được nhiều biến
cố lịch sử. Chính nhờ tiền của Hội nghị Liên bang ở đảo Délos [biển Hi
Lạp] mà người Hi Lạp đã dựng nên đền Panthénon [ở Athènes, thế kỉ thứ V
trước T.L.]; chính nhờ kho vàng của nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre mà nền tài
chính của Auguste mới hồi sinh mà ông ta mới cấp dưỡng được thi hào
Virgile và tặng Horace được một cái trại. Thời thượng cổ La Mã tấn công
Ba Tư rồi thời trung cổ Thập tự quân qua đánh chiếm Jérusalem cũng là để
kiểm soát các con đường thương mại sang phương Đông; và hậu quả sự
thất bại của Thập tự chiến là người Âu đã tìm con đường khác qua phương
Đông mà khám phá ra được châu Mĩ. Chính nhờ tài chính của dòng họ
Médicis [ở Ý, thế kỉ XIV] mà mới có phong trào Phục hưng văn nghệ ở