chúng. Nếu nó làm cho mọi người đều có cơ hội ngang nhau để học hành,
thì nó thực sự là “dân chủ”, và sự tồn tại của nó thực là chính đáng. Vì đây
là phần đúng trong những khẩu hiệu của nó: Không phải mọi người có thể
bình đẳng với nhau, nhưng có thể làm cho càng ngày người ta càng bình
đẳng hơn trong cơ hội được giáo dục. Quyền của con người không phải là
quyền được giữ chức vụ này, nắm quyền hành nọ, mà là cái quyền được thử
mọi cách để phát triển khả năng lãnh một nhiệm vụ hoặc một quyền hành.
Quyền lợi không phải là của Thượng Đế, hoặc của Thiên nhiên ban cho, mà
phải là một đặc quyền [do xã hội ban] mà cá nhân phải dùng vào việc ích
cho xã hội.
Ngày nay ở Anh, Hoa Kì, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Gia
Nã Đại, chế độ dân chủ mạnh mẽ, vững vàng hơn bao giờ hết. Nó đã can
đảm, cương quyết chống lại sự tấn công của các chế độ độc tài ngoại lai, và
nó vẫn chưa chịu nhường bước cho các mưu mô độc tài nội tại. Nhưng nếu
chiến tranh tiếp tục nuốt nó, chi phối nó, hoặc nếu cái tham vọng xấu xa
muốn chiếm cả thế giới làm cho nó quân đội hóa hơn nữa, thì rất có thể các
tự do dân chủ lần lượt mất hết. Nếu các chiến tranh chủng tộc, giai cấp chia
rẽ chúng ta thành những phe đảng thù nghịch nhau, không còn tranh luận
về chính trị với nhau nữa mà mù quáng căm hận nhau, thì rất có thể một
trong những phe đảng sẽ thay chế độ tuyển cử bằng uy lực của lưỡi gươm.
Và nếu chế độ kinh tế tự do của chúng ta không phân phối tài sản một cách
cũng thông minh như khi sản xuất tài sản, thì con đường độc tài sẽ mở rộng
cho kẻ nào khéo thuyết phục quần chúng rằng mình có thể bảo đảm sự an
toàn cho mọi người; mà một chính phủ quân nhân, dù có tự che đậy, tô
điểm bằng những lời hấp dẫn ra sao đi nữa, thì cũng vẫn có nghĩa là chế độ
dân chủ đã cáo chung.