truyền của cộng sản cám dỗ, hậu quả là cộng sản xâm nhập lần lần rồi phá
hoại. Vậy nếu không ngăn chặn lại bước tiến của cộng sản thì Á, Phi và
Nam Mĩ sớm muộn gì cũng sẽ đứng vào khối cộng mất, chỉ là một vấn đề
thời gian thôi. Trong hoàn cảnh ấy, Úc, Tân Tây Lan, Bắc Mĩ và Tây Âu sẽ
bị kẻ thù bao vây mọi phía. Ta thử tưởng tượng tình trạng ấy sẽ ảnh hưởng
tới Nhật, Phi Luật Tân và Ấn Độ, hoặc tới đảng cộng sản mạnh mẽ ở Ý ra
sao; mà một thắng lợi của cộng sản Ý sẽ tác động tới phong trào cộng sản ở
Pháp ra sao? Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Hoà Lan, Tây Đức sẽ phải
tuỳ thuộc một lục địa đại đa số theo cộng, cộng bắt sao họ phải chịu vậy
Bắc Mĩ hiện nay quyền lực lên tới tột đỉnh, có chịu qui phục, nhận tai hoạ
ấy không, thu hình trong cái vỏ sò, để cho các nước kình địch kia bao vây,
chặn đường tiếp tế nguyên liệu, cắt đứt các thị trường và như mọi dân tộc
bị bao vây, bắt buộc phải bắt chước kẻ thù, thiết lập chế độ độc tài về mọi
khu vực kinh tế mà kinh tế hết được tự do, kích thích nữa, Bắc Mĩ có chịu
nhận tình thế ấy không? Các chính quyền Mĩ có nên chỉ quan tâm tới ý kiến
của thế hệ hiện nay chỉ ham hưởng lạc, không chịu nhìn thẳng vào vấn đề
sinh tử đó; hay là cũng nên nghĩ tới những thế hệ sau này nữa, mà hành
động như họ ao ước ông cha họ hành động? Chống cự lại ngay đi có phải là
khôn hơn không? Đem ngay chiến tranh vào nội địa của địch đi, chiếm đất
tại nước họ, nếu cần thì hi sinh một trăm ngàn sinh mạng Mĩ, và có lẽ một
triệu thường dân không chiến đấu nữa, để được trở lại thành một nước Mĩ
tự do, sống theo ý mình, trong sự độc lập và an toàn, như vậy có phải là
khôn hơn không? Chính sách dài hạn đó chẳng hoàn toàn phù hợp với
những bài học của lịch sử đấy ư?
Phe triết gia đáp: Phải, phù hợp đấy, nhưng hậu quả tai hại cũng sẽ phù
hợp với lịch sử nữa, chỉ khác là những hậu quả ấy sẽ tăng lên theo số đông
và tốc độ di động của các lực lượng chiến đấu, và theo sức tàn phá kinh
khủng phi thường của các khí giới. Còn có cái gì lớn lao hơn lịch sử nữa
chứ. Có những lúc mà nhân danh nhân loại, chúng ta phải từ chối không bắt
chước cả ngàn những việc đáng tiếc đã xảy ra, và can đảm áp dụng Hoàng
kim qui tắc
vào các dân tộc như vua Phật giáo Acoka đã làm năm 262