trong trạng thái đó mọi hành vi, hoạt động của con người được xếp đặt, dự
tính, chỉnh đốn theo một lí thuyết tổng quát; mục đích của hoạt động xã hội
được minh định; còn trong trạng thái kia mà chúng tôi gọi là trạng thái
khủng hoảng thì không có sự cảm thông tư tưởng, không có sự thống nhất,
sự phối trí hoạt động và xã hội chỉ còn là một tụ họp các cá nhân cách biệt
nhau, kẻ nọ tranh đấu với kẻ kia.
“Mỗi trạng thái đó đã chiếm hai thời đại trong lịch sử. Một trạng thái tổ
chức đã xuất hiện trước thời đại của người Hi Lạp mà người ta gọi là thời
đại triết lí, còn chúng tôi thì gọi là thời đại khủng hoảng cho đúng hơn. Sau
đó, một thuyết mới phát sinh, trải qua các giai đoạn khai đoan rồi cải thiện,
và rốt cuộc khống chế tất cả phương Tây về chính trị. Sự thành lập Giáo
hội mở màn cho một thời đại tổ chức mới kéo dài tới thế kỉ XV, tới lúc mà
các nhà cải cách tôn giáo đưa phương Tây vào một thời đại khủng hoảng
còn tiếp tục tới ngày nay…
“Tất cả những thời đại tổ chức đều là những giải pháp – ít nhất là tạm
thời- cho các vấn đề căn bản đó, tín ngưỡng, chính trị, kinh tế, luân lí;
nhưng rồi chẳng bao lâu, do những tiến bộ thực hiện được nhờ những giải
pháp đó – nghĩa là nhờ những chế độ xã hội thành lập theo giải pháp đó, mà
chính giải pháp đó hóa ra bất túc, lại cần có những giải pháp mới nữa;
những thời đại khủng hoảng, những thời tranh luận, phản kháng, chờ đợi,
chuyển tiếp, bèn tới trám khoảng trống: con người hóa ra hoài nghi, lãnh
đạm với các vấn đề lớn lao đó, và có tính vị là, hậu quả tất nhiên của lòng
hoài nghi và lãnh đạm.
“Mỗi khi mà những vấn đề xã hội trọng đại đó được giải quyết thì có một
thời đại tổ chức; còn những khi nào các vấn đề đó không có cách giải quyết
thì là một thời đại khủng hoảng…
“Trong tất cả các thời đại cùng một bản chất, cùng là tổ chức, hoặc cùng
là khủng hoảng, thì bất kì ở nơi nào, ở thời nào, loài người cũng luôn luôn
hành động như nhau: họ xây dựng trong suất các thời đại tổ chức, và phá
hoại trong suất các thời đại khủng hoảng…”