Saint Simon cho rằng chế độ xã hội mà thành lập thì sẽ mở màn cho một
kỉ nguyên “tổ chức” mới, ổn định, trong đó các tín ngưỡng, sự tổ chức, sự
hợp tác sẽ được thống nhất. Nếu chế độ cộng sản mà thắng, tạo được một
trật tự mới, thì những phân tích cùng dự ngôn của Saint Simon sẽ được
chứng thực một cách rực rỡ.
Oswald Spengler (sử gia Đức 1880-1936) sửa đổi thuyết của Saint
Simon, chia lịch sử thành một số văn minh, mỗi nền văn minh đó gồm bốn
“mùa”, kéo dài một thời gian nào đó; và theo một quĩ đạo nào đó; trong số
bốn “mùa” đó, có hai mùa quan trọng hơn hai mùa kia: một mùa là thời đại
tổ chức hướng tâm (centripète) nó gom tất cả những giai đoạn của một nền
văn minh thành một hình thức duy nhất, liên tục, mạch lạc, đẹp đẽ; một
mùa là thời đại tan rã, li tâm, trong thời đó các tín ngưỡng và văn hóa phân
giải do sự chia rẽ và sự chỉ trích lẫn nhau, rồi đưa tới sự hỗn độn của chủ
nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hoài nghi, sự thác loạn của nghệ thuật. Saint
Simon cho rằng chế độ xã hội sẽ là giai đoạn tổng hợp mới; còn Spengler
thì, như Talleyrand
, tiếc thời đại giới quí tộc (tức vua chúa) cầm quyền,
thời mà đời sống và tư tưởng được chỉnh đốn một cách khéo léo, đời sống
được coi là một công trình nghệ thuật.
Đối với phương Tây thì có sự đứt quãng vào khoảng 1800. Trước năm
đó, con người tự tín, sống một cách sung mãn; cuộc sống là một sự phát
triển từ trong ra, suất một thời tiến hóa không hề gián đoạn từ thời gô-tích
(gothique)
cho tới Goethe
và Napoléon. Sau năm đó, chúng ta sống
cuộc đời hoàng hôn, giả tạo, mất gốc trong các thành phố lớn, tuân theo
những hình thức do trí tuệ tạo ra… Người nào không thấy rằng các kết quả
đó nhất định phải xảy ra và không sao sửa đổi được thì đừng nên tìm hiểu
bất kì một cái gì trong lịch sử.
Mọi người đều đồng ý về điểm này: Các nền văn minh phát sinh, nảy nở,
tàn rồi chết, trừ phi là sống lây lất như làn nước tù mà những dòng sông đã
cạn rồi còn để lại. Vậy thì nguyên nhân của sự tiến bộ ở đâu, và nguyên
nhân của sự suy tàn ở đâu?