lên quá mức, thì khiến cho người ta chán nản không muốn sản xuất hoặc
đầu tư nữa. Thị trường và các nguyên liệu ngoại quốc bỏ mặc cho kẻ khác
có tinh thần mạo hiểm hơn cạnh tranh; hoặc cán cân thương mại nghiêng về
phía nhập cảng làm cho vàng, bạc trong nước chạy ra nước ngoài. Sự tập
trung tài sản có thể gây ra đấu tranh giai cấp hoặc chiến tranh chủng tộc.
Sau cùng, đôi khi sự tập trung dân chúng và tình trạng nghèo khổ của dân
thành thị có thể buộc chính quyền phải dùng phương pháp trợ cấp mà làm
suy nhược nền kinh tế, nếu không thì dân sẽ nổi loạn, cách mạng có thể
phát sinh.
Vì kinh tế càng phát triển thì kẻ giàu người nghèo càng cách biệt nhau,
cho nên xã hội nào, tới một ngày nào đó, cũng sẽ chia thành hai giai cấp,
một thiểu số có học thức và một đa số, vì bẩm sinh hoặc vì hoàn cảnh, bị
nhiều nỗi bất lợi quá, không thể có một trình độ văn hóa, giám thức cao
được. Đa số đó mỗi ngày mỗi đông thêm lên, gây nên tình trạng san bằng
từ dưới, nghĩa là cách nói năng, ăn mặc, tiêu khiển, cảm xúc, phán đoán, cả
suy tư của họ nữa, mỗi ngày mỗi phổ biến, lan tới giai cấp thiểu số. Thiểu
số này dĩ nhiên nắm then chốt của giáo dục và kinh tế, nhưng phải trả giá
đặc quyền đó, và một cách trả giá là họ thành nạn nhân của đa số, lây đa số,
hóa ra dã man mỗi ngày một chút mà không hay.
Giáo dục càng phổ biến thì các thuyết thần học càng được ít người tin;
người ta vẫn làm bộ theo tôn giáo đấy nhưng không vì vậy mà người ta
không hành động, hi vọng theo xu hướng tự nhiên của người ta. Lối sống
và tư tưởng có tính cách phàm tục mỗi ngày một đậm; người ta không tin
các lời giảng linh dị nữa, cũng không sợ thần linh nữa. Người ta càng ý
thức được nguồn gốc nhân tinh, phàm tục của mình thì luân lí đạo đức càng
mất uy thế: không còn một đức Thượng Đế giám thị loài người, thưởng hay
phạt mỗi hành động nữa. Các triết gia Hi Lạp thời cổ đã làm cho tôn giáo
mất thanh thế trong giới học thức; các triết gia ở nhiều nước châu Âu thời
cận đại cũng vậy. Protagoras đã thành Voltaire; Diogène thành Rousseau;
Démocrite thành Hobbes; Platon thành Kant; Thrasymaque thành
Nietzsche; Aristote thành Spencer và Epicure thành Diderot.