Dù trong thời thượng cổ hay trong thời cận đại thì tư tưởng phân tích
cũng đã phá hoại nền tảng của tôn giáo, mà tôn giáo không còn bảo đảm
cho luân lí, đạo đức được nữa. Có nhiều tôn giáo mới xuất hiện, nhưng
không có liên hệ đặc biệt nào giữa các tôn giáo đó với các giai cấp cầm
quyền, thành thử những tôn giáo đó chẳng ích lợi gì cho Quốc gia cả. [Thời
thượng cổ] chủ nghĩa duy lí đả đảo được thần thoại rồi thì được tôn trọng
trong thế kỉ cuối cùng trước kỉ nguyên Ki Tô; nhưng sau sự thắng lợi đó,
tiếp theo là một thời đại hoài nghi mệt mỏi, và hưởng lạc; ngày nay, nghĩa
là từ thế kỉ đầu tiên sau Ki Tô, sau một thắng lợi tương tự cũng tiếp theo
một tâm trạng như vậy.
Mắc kẹt trong khoảng giao thời bại hoại, nó ngăn cách thời có qui luật
luân lí với cái thời nối tiếp, một thế hệ phóng túng sống một cuộc đời xa
hoa, đồi bại, không bị cái gì ngăn cản, họ khinh một cách tích cực trật tự
gia đình và xã hội; tôi nói đó là nói chung xã hội, trừ một số nhỏ tuyệt vọng
cố bám lấy truyền thống khắc kỉ. Rất hiếm người ngày nay còn nghĩ rằng
“chết cho tổ quốc là đẹp đẽ và vinh dự”. Một chính quyền nhu nhược có thể
để cho quốc gia tuột lần xuống cảnh chia rẽ; chỉ thua trong một trận quyết
định hoặc chỉ bị bọn mọi rợ ở ngoài xâm lăng bắt tay với bọn mọi rợ ở
trong nước, là một nền văn minh có thể bị tiêu diệt.
Bức họa đó có làm cho ta thất vọng không? Không, không nhất định như
vậy! Tại sao sinh mệnh lại có cái quyền được vĩnh viễn, bất tuyệt, dù là
sinh mệnh của cá nhân hay của Quốc gia? Chết là luật tự nhiên, nếu nó tới
đúng lúc thì nó có thể tha thứ được, đáng coi là tốt nữa; người nào có tinh
thần già dặn thì không tức giận khi thấy nó tới. Nhưng các nền văn minh có
chết thực không? Cũng không nhất định như vậy. Văn minh Hi Lạp có chết
không? Không, chỉ cái khung của nó đã mất thôi, còn cái nơi hóa thân của
nó ngày nay còn vô cùng rộng hơn cái nôi của nó hồi xưa. Nó còn sống
trong kí ức của nhân loại, sống sum suê tới nỗi không một người nào dù
sống lâu, sống đầy đủ tới đâu, mà có thể tiêu hóa nó trọn vẹn được Homère
ngày nay có nhiều độc giả hơn thời thượng cổ Hi Lạp. Các thi sĩ, triết gia
của xứ ông được bày trong tất cả các thư viện, các đại học; hiện nay, Platon