đất An Quảng của Việt, hình như lưu lại một thời gian ngắn trên vùng Chí
Linh, cuối cùng lập nghiệp ở đất Thái Bình, Nam Định ngày nay, “đời đời
làm nghề đánh cá.”
Tính chất quen thuộc, tinh thạo nghề sông nước càng tỏ rõ về sau
không những trong các cuộc chiến đấu với quân Nguyên mà còn lộ ra trong
sinh hoạt đời thường. Ông vua đầu mới lên ngôi thấy tù túng trong vòng
thành liền sai lập nhà trên bờ sông để hưởng gió mát với tên điện Gió Nước
/ Phong Thuỷ. Lụt ngập tràn hoàng thành, ông thân vương Trần Liễu dùng
thuyền đi chầu nhân tiện hiếp dâm cung phi triều cũ, cho đến khi mất vợ,
xung đột với vua không được, cũng dùng “thuyền độc mộc, giả làm người
đánh cá đến xin hàng.” Nghĩa là ông vua sau mười mấy năm lên ngôi Đế đã
không ở trong cung điện cướp được của Lí mà vẫn sống trên chiếc thuyền
quen thuộc!
Hành trình phiêu lưu sông nước đó được các nhà dân tộc học nhận
ra là đặc điểm của tộc Đản. Ngày nay họ được ghép vào tộc Hán nhưng vẫn
bị coi là một tộc thấp kém bên lề, để chính họ phải tự nhận riêng là Soisang
yan (“thuỷ sinh nhân”) còn người Hoa ở Việt Nam thì gọi nhóm đồng loại
đó là Đản Gia Lão. Họ có mặt trong sử Trung Quốc khoảng 800 năm trước
như một tập đoàn dân hạ cấp với chi tiết “chân ngắn chỉ thích hợp cho cuộc
sống ở biển, bàn chân có 6 ngón,” đôi khi có đuôi! Sinh hoạt thường ngày
của họ là trên thuyền bè sông nước, chỉ khi chết đi mới chôn trên đất mà
thôi. Họ bắt hàu, mò ngọc trai, thờ rồng nên còn có tên là Long Hộ. Tên tộc
nhóm của họ trên đất Trung Quốc ngày nay, theo tinh thần mới, đã bỏ chữ
cũ có bộ “man” hàm ý khinh miệt để mang tên (Hán Việt) Đan/Đơn.
Trên bờ đất Việt, họ cũng gồm nhiều nhóm, chứng tỏ ở hội nghị
Bình Than về sau. Nhóm Đản ở Chí Linh với cha (?) con Trần Phó Duyệt,
Trần Khánh Dư tuy cùng chung một họ nhưng có vẻ là khác nhóm, trước
khi nhập vào nhóm Trần Nam Định đã cướp được quyền làm vua. Trần Phó
Duyệt nổi lên trong sử nhờ ông con Trần Khánh Dư, nhưng đã giữ một
chừng mực quyền bính riêng biệt vì ta biết được rằng ông có cơ sở vững