vua (1234), nơi có quân bộ thuộc tin cẩn. Hương Tức Mặc, nơi được chọn
làm một thứ kinh đô thứ hai, với nhà cửa được xây cất (1237), có điện của
ông Thượng hoàng trị nước từ quê gốc. Cho nên trên vùng Đại La Trần
chiếm được từ Lí, Lê Tắc đã ghi nổi bật hai phủ mới: Long Hưng (Đa
Cương), Thiên Trường (Tức Mặc). Sử còn ghi về những người có danh
vọng: Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí
Linh. Trên vùng “trại” thì có thân tộc cai trị hẳn như trên đất lạ: Nhật Duật
và con cháu ở Thanh Hoá, Quốc Khang và con cháu ở châu Diễn. Họ “đều
ở phủ đệ nơi hương ấp của mình, khi chầu hầu thì về kinh, hết việc lại về
phủ đệ”. Đã bỏ nước lên bờ thì phải tính toán đến việc chiếm điền thổ. Thế
mà đất cũng đã có chủ, chỉ có thể khai khẩn đất mới mà thôi – nhu cầu càng
cấp thiết khi nhân số tăng lên. Các vương hầu, công chúa do đó dùng gia nô
đắp đê ngăn mặn, cày xới đất bồi, mở những điền trang mới (1266). Tất
nhiên cũng có người chắc là chậm lụt hay tiêu pha quá khả năng nên phải
luỵ vào gia thần kẻ dưới như ông con út Thái Tông lê lết nơi nhà Phạm Ngũ
Lão, nhưng nói chung cách rải người chiếm đất như thế đã tạo thành một
thế chân rết diện địa giữ gìn được cơ nghiệp của dòng họ. Và cũng không
thể có vấn đề cát cứ cướp quyền. Ngoài sự khéo léo dàn xếp theo tình cảm
riêng tư, Trần còn tạo được một hệ thống điều hành việc nước, một trật tự
tôn ti dàn trải trước mắt dân chúng, quan lại dưới quyền để không thể lẫn
lộn sự chính thống là thuộc về ai.
Tổ chức quản lí lãnh địa
Dù sao thì Trần cũng lên cầm quyền, thay thế ngay ở vị trí trung
ương của một thực thể đất nước có khuynh hướng tập trung như đã nói, nên
Trần có thể dễ dàng khai thác những thành quả của Lí lưu lại để cai trị Đại
Việt một cách vững vàng hơn. Hội thề trung thành mở ra liên tiếp trong thời
gian chông chênh giành chính quyền với tính cách riêng tư, với những ông