tượng chùa Bộc thay ông Quang Trung, để có người trẻ địa phương cảm
thấy ông Nguyễn Huệ không chỉ lạc loài trên gò Đống Đa mà còn cô đơn
ngay cả trên quê hương của ông. Tuy nhiên, dù sao thì sử gia cũng phải làm
việc trong thực tế có được mà thôi.
Thật ra thì Phù Nam cũng có căn cứ xuất hiện đầu tiên rõ ràng là từ
tài liệu Trung Hoa, ghi chép trong thế kỉ III. Trước khi Khang Thái, Chu
Ứng từ đất Ngô Tôn Quyền đến (khoảng năm 250) thì đất này dù có hàng
chục ông “vua”, ta cũng không thể biết được chỉ vì bờ đông vịnh Thái Lan
của đất Phù Nam đó còn là cách biệt với Trung Hoa, nơi những người có
thói quen ghi chép. Trong khi đó trung châu sông Hồng nằm trong vòng
sinh hoạt có văn tự đã lâu, vào lúc đã thấy sự tranh chấp lấn chiếm giữa các
quan chức Thục Hán cũ và nhà Ngô thắng thế, và đã lưu lại chứng tích của
cả một sinh hoạt phồn tạp, tuy không đủ thỏa mãn người đời nay nhưng
cũng làm đầy các trang sách… Cho nên ở đây, thật sớm, người ta đã biết
đến không những các ông Lạc, Việt trước thời các ông Vua Núi ở phía nam
kia mà còn biết có những ông mang tôn hiệu Vương dù “ở trần,” nhờ xác
nhận của Triệu Đà vào thế kỉ II tCn. Thế là vùng đất này khi ghép vào với
đế quốc Trung Hoa tuy chỉ là phần bên lề nhưng quá khứ của nó cũng trở
nên liên tục, rành rẽ hơn phần phía nam. Ông An Dương Vương khởi đầu,
móc nối với nhân vật lịch sử Triệu Đà, ráng níu kéo ông Lạc/Hùng Vương,
cho tiếp tục với các quan lại Thiên triều cai trị, làm loạn, với những tập
đoàn bản xứ nổi dậy, thất bại theo sự thăng trầm ở trung ương xa xôi. Cho
đến khi lấy được nền độc lập thì phần đất này có tên riêng, mang sẵn một lề
lối chép sử của chủ nhân ông cũ, cứ tiếp tục theo ông Khổng Tử, ông Tư
Mã Thiên, ông Chu Tử, theo các Quốc sử quán… để gầy dựng một truyền
thống sử kí tuy không dồi dào như nơi cỗi gốc nhưng cũng đủ để mà hãnh
diện với nơi khác. Và từ ưu thế đó, theo bước nhân tuần của kinh sách học
hỏi, người ta lấy làm nòng cốt để viết lịch sử toàn vùng.
Chúng ta không nói đến những khuyết điểm tự thân của nền sử học
gốc từ Trung Hoa tuy ở đó sự dồi dào các sách vở sử kí đã khiến người
nghiên cứu ngày nay rộng đường tìm kiếm, suy luận hơn. Các vương triều