nhưng thực ra có quyền lợi trên các mảnh đất nuôi sống họ, khiến dẫn đến
những cuộc nổi loạn lớn như của Ngô Bệ (1344-1360), như người tên Tề
xưng là cháu ngoại của Hưng Đạo Vương (1354), khai thác mối mâu thuẫn
cũ cứ tưởng là đã tàn từ lâu.
Từ Thăng Long người ta đã thấy mối nguy hại của các điền trang
rộng lớn, của các gia đình giàu có nên Dụ Tông cho kiểm kê gia sản để xén
bớt quyền lực, và bà Thái hậu họ Lê thì không cho vương hầu hưởng thêm
đất bãi bồi. Thế nhưng Nghệ Tông đã chận đứng các cải cách ấy lại chỉ vì
nhìn cái thế lung lay của bản thân mà muốn giữ sự vững vàng của tông tộc.
Và mở rộng ra là tập đoàn dân chúng cai trị dưới tay nên có lệnh đồng nhất
hoá, cấm quân dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và
nói tiếng Chiêm, Lào (1374). Hẳn là với sự hồi phục trong khoảnh khắc ấy
mà người kế ông, Duệ Tông, cuối cùng thấy đủ tự tín đem quân đánh
Vijaya dẫn đến cái chết thảm thương (1377). Thấy mọi toan tính vực dậy
triều đại đều thất bại, Nghệ Tông đành buông tay, trao quyền hành động
vào người mới: Lê/Hồ Quý Li.
Câu “Con giết cha, tôi giết vua không phải một ngày mà có…” có
thể áp dụng ngay chính vào trường hợp thay đổi triều đại. Hồ Nguyên
Trừng, con Quý Li, mấy mươi năm sau ở Trung Quốc nhớ về đất cũ vẫn gọi
Nghệ Tông là Thái Vương với đầy giọng thân thương, kính trọng. Quý Li
chỉ muốn làm người phò tá vua nhỏ như ý ông lúc dùng thiên Vô dật, tương
truyền là của Chu Công Đán dạy Thành Vương lúc xưa. Chưa đủ tự tín nên
khi nghe Phế Đế bàn mưu giết (1388), ông tính chuyện chạy trốn, tự tử chứ
không dám chống cự. Mãi đến khi tay chân bày mưu lợi dụng mối căm ghét
nín lặng của ông thượng hoàng giận ông vua giết người con cưng (Trần
Húc), lúc bấy giờ ông mới bạo gan làm việc nhờ cậy cầu may để phế vua.
Cho nên những rắc rối chuyển tiếp triều đại cho thấy sự tăng tiến dần quyền
lực của phe Quý Li trước sự chống đỡ lùi dần của phe Trần, trong đó có khi
Quý Lí còn phải trừ bỏ vây cánh dao động của chính phe mình như lúc giết
Nguyễn Đa Phương (1389). Thế rồi cái chết của Nghệ Tông (1395) làm
mất một vướng mắc tình cảm và uy thế tượng trưng, Trần Khát Chân gây