quan viết chiếu chỉ, sách vở chê triều đình thời trước: vua mới hai tuổi,
Thái hậu “gà mái gáy sớm… đàn bà mắt quáng đèn loà,” quan “ngu si
không biết một chữ… không phân biệt sáu loại súc vật… chẳng hiểu được
bốn mùa…”
Đỉnh cao của tổ chức cai trị ở Đông Kinh và tác
động sâu đến tầng lớp cơ sở
Thái Tông chết vì một cơn đam mê sắc dục không phải chỉ gây vạ
tru di cho Nguyễn Trãi mà còn gây cả một cuộc khủng hoảng về kế nghiệp
khi Lê vẫn chưa thích ứng kịp với tình thế mới. Nguyên tắc truyền nghiệp
từ anh sang em ngày trước, thành hình rồi bị phá vỡ vì còn có người cha
(Thái Tổ) chủ trì, đến đây khi người cha (Thái Tông) đã mất thì quyết định
phải nằm trong tay các phe phái cựu thần Lam Sơn lúc này đã chia rẽ hơn
bao giờ hết. Cho nên thế quân bình thật là mỏng manh. Bang Cơ (Nhân
Tông) nối ngôi vì Nghi Dân con trưởng đã bị truất phế, sự việc lên ngôi
được quyết định bằng các thế lực nhỏ trong nội đình, nhưng không ngăn
được phải trừ khử nhóm Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục mà vẫn chừa ra
không kịp chận nhóm cấm vệ Lê Đắc Ninh, nhóm phục thù họ Trần trèo
thang qua tường giết Nhân Tông, vợ và mẹ. Triều đình Nghi Dân yểu tướng
trong tám tháng cũng chỉ vì gặp phe đối kháng khác, sau đảo chính lại phân
vân lựa chọn giữa Tư Thành và Khắc Xương. Khắc Xương sợ hãi trước
biến cố cung đình không dám nhận ngôi, tưởng mình thoát nạn không ngờ
lại hại lây đến người ủng hộ (có lẽ rất tình cờ) là Lê Lăng mà bản thân thì
cũng không thoát. Chỉ còn lại ông hoàng tử út mà tính cách nhỏ nhoi, co rút
khởi đầu của ông không ngờ lại đem đến nguy khốn không những cho đám
cựu thần Lam Sơn mà còn cho nhóm văn quan trung châu nữa.