dưới quyền hai tướng Tăng, Sương, cho đến khi họ tan tác ở Rạch Gầm
Xoài Mút (1-1785). Nguyễn Ánh phải lên đường lưu vong thật sự để Tây
Sơn nghĩ rằng có thể chiếm lĩnh xứ Gia Định một cách toàn vẹn dưới quyền
một người: Đức Ông Bảy Nguyễn Lữ, con người mang khuynh hướng thần
bí, chắc lúc này mới là đúng với danh hiệu “Đại Pháp sư của toàn Đàng
Trong.”
Lịch sử Tây Sơn, rốt cục là lịch sử của một phe chiến bại cho nên
hoạt động của họ chỉ được nhìn theo biến động của phe Nguyễn thắng trận
mà thôi. Do đó ta không thấy ra rõ rệt có sự thay đổi nào của họ đã dẫn đến
những trận xua đuổi quân Nguyễn, va chạm đến các lực lượng họ chưa
từng nghĩ tới như chiến thuyền Tây Phương hay quân chính quy của Xiêm
La. Mọi công tích có vẻ như dễ dàng giải thích bằng cách trút cho ông
Nguyễn Huệ tài ba của các trận chiếm đất Bắc, thắng Đống Đa về sau. Sự
thực chắc không giản dị như vậy. Đúng ra thì quân nổi dậy cũng có những
hành động khác thường mà một toán quân chính quy của thời bình không
thể nào làm được. Như Tống Phước Hiệp dẫn quân (gồm cả) Năm Dinh
đóng ở Phú Yên mà bị một chàng thanh niên 23 tuổi dẫn các trai làng vượt
đèo Cù Mông đuổi chạy về phía nam đèo Cả trong lúc một người chỉ huy
khác hẳn cũng gốc ruộng rẫy, đi rừng, hẳn cũng chừng ấy tuổi, ở cách xa
nơi cỗi gốc hàng ngàn dặm, đã đem chỉ 50 người lính “khoẻ mạnh,” vượt
trên đồng lầy, sông rạch mênh mông, xa lạ đến tận quân dinh của Tổng trấn
Hà Tiên Mạc Thiên Tứ, đưa thư dụ hàng! Người thứ nhất còn lại trong lịch
sử, là một danh tướng, người thứ hai chỉ là Cai đội / Đội trưởng (đội gồm
50 người) xuất hiện khuất lấp có một lần, không tên tuổi…
Tuy nhiên qua ghi chép của kẻ chiến thắng ta cũng có thể thấy một
vài tình thế của Tây Sơn phải chịu đựng trong phát triển. Cuộc tấn công đầu
năm 1776 của Nguyễn Lữ chỉ là một hành động lấy lương thực, để giải
quyết tình hình đói kém trong vùng và được gợi ý từ việc cướp thuyền
lương ngoài khơi Quảng Nam của Mạc Thiên Tứ gởi giúp Duệ Tông. Các
cuộc tấn công theo những thời điểm tuần hoàn có giới hạn, đánh vào rồi rút
ra, chỉ để một lực lượng nhỏ đóng giữ, chứng tỏ Tây Sơn còn phải lệ thuộc