đất Gia Định (5-1782) khiến ta nhận ra ngay từ lúc này, rằng thực lực Tây
Sơn, ngoài ba anh em, đã phải dựa vào liên hệ hôn nhân với các họ khác,
với họ Phạm để phát triển. Tình thế chênh vênh đó là một nguy cơ tiềm ẩn
dẫn đến sự sụp đổ của anh em nhà họ.
Tình hình giao tiếp giữa năm 1778 của Nguyễn Nhạc với thương
nhân Chapman cũng cho thấy Tây Sơn chưa thể kì vọng gì vào những yếu
tố thay đổi đến từ bên ngoài. Hội An bị tàn phá, cuộc điều đình với
Chapman cho thấy kiến thức của Nguyễn Nhạc không chỉ là của anh biện
lại nơi góc núi nhưng kết quả không đi đến đâu. Sức mạnh của Tây Sơn hẳn
chỉ gom góp từ lực lượng tịch thu của Nguyễn chuyển về một tập đoàn nổi
dậy đang trên đà phát triển dữ dội mà thôi. Nguyễn Nhạc đã vào đóng trong
thành Chà Bàn, tuy hoang phế nhưng cũng là một thành luỹ, còn hơn phủ
thành của Nguyễn Khắc Tuyên chỉ có nhà tranh tre lá. Thành luỹ đó đủ cho
Nguyễn Nhạc mở rộng thêm để đủ uy nghi xưng đế, lấy niên hiệu Thái Đức
(1778), lên thay thế dòng họ ông vừa tiêu diệt một năm trước. Các cuộc lấn
chiếm, truy đuổi tàn dư họ Nguyễn khiến Nguyễn Ánh phải sống lưu vong,
nương nhờ người Xiêm vốn “sợ Tây Sơn như sợ cọp,” giúp Nguyễn Nhạc
toan tính thực hiện thu hồi phần đất của phía “ngoại” ông, phần của chúa
Nguyễn đang còn trong tay quân Trịnh, như ông đã từng thố lộ với
Chapman. Ước vọng sẽ thành nhưng không ngờ lại đem đến một lối rẽ
mang cả định mệnh của họ đi theo một hướng khác.
Nếu không có Nguyễn Hữu Chỉnh?
Cuối tháng tư âl. năm Bính ngọ (1786) quân Tây Sơn tiến phát dưới
quyền Nguyễn Huệ chiếm được kinh thành Huế ngày 14-6-1786. Đi theo
quân có Hữu Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh, tướng cũ của Trịnh.