Nguyễn Hữu Chỉnh từng được Hoàng Ngũ Phúc sai vào Quy Nhơn
phong chức cho Nguyễn Nhạc (1775) khi Phúc không còn có ý đi xa hơn.
Sự kiện nhỏ nhoi khuất lấp này lại dẫn đến hậu quả lớn về sau chỉ vì những
hình thức ngoại giao phe phái đã diễn ra giữa những người cùng một chừng
mực sinh hoạt quen thuộc với nhau. Nhờ chuyến Tây Sơn ra Bắc, chúng ta
mới được các giáo sĩ cho biết có một lớp người Các lái phải sạt nghiệp vì
biến loạn: “thuyền, thóc, tiền sạch cả,” (tiếng Việt.) Số lượng họ không ít:
có đến 3000 người ở vùng cửa Bạng xứ Thanh. Số tiền của Hoàng Ngũ
Phúc vay mượn để khởi đầu sự nghiệp hẳn là từ những người như ông cha
Nguyễn Hữu Chỉnh, buôn muối giàu có, đem ông con đỗ Hương cống vào
làm thư kí, phục vụ cho ông quan thị đã trở thành danh tướng của Trịnh.
Quan dựa vào nhà buôn để làm giàu, tăng thế lực, thương nhân dựa vào
quan để tìm danh vọng là chuyện bình thường nhưng khuất lấp trong sử
sách. Giỏi thuỷ chiến, cai quản thuỷ quân là dấu vết dân buôn miền biển, từ
đó Chỉnh có tầm mắt rộng rãi về cuộc sống. “Thiên hạ vạn nước, lo gì
không có chỗ đi,” đó là lời Chỉnh khi phải tránh vạ quân Tam phủ lật đổ
Trịnh Cán, lập Trịnh Khải, giết Hoàng Đình Bảo, chủ ông (1782). Dưới mắt
ông, trật tự cũ không có chút giá trị gì như khi ông tha tội cho ông nghè
(tiến sĩ 1775) Phan Huy Ích, “thầy đồ nói khoác,” từng đòi bắt ông nhốt vào
cái trống làm sẵn. Vì thế không lấy làm lạ rằng khi rời bỏ xứ Bắc, Nguyễn
Hữu Chỉnh đã tìm vào Quy Nhơn. Hai lớp người Các lái của hai phương
trời gặp nhau, Chỉnh mới có đúng chỗ để “ngày đêm vì giặc bày mưu thiết
kế.”
Nguyễn Nhạc vượt khỏi sự ngần ngại quyết đánh Phú Xuân nhờ có
Chỉnh móc nối, nắm đúng tình hình quân tướng Trịnh để đi đến chiến
thắng. Quân Tây Sơn đã đắp luỹ Thầy thêm cao để ngăn quân Đàng Ngoài,
toan tính lập lại thế phân tranh cũ nhưng cuối cùng lại ào ạt tuôn tràn ra
phía Bắc cũng vì Nguyễn Hữu Chỉnh cho rằng “Chỉnh đi (thì ngoài đó) là
cái nước trống không… tướng trễ binh kiêu, triều đình không kỉ cương.”
Nói về bản thân thì có huênh hoang nhưng nói về tình hình chính quyền
Trịnh thì không gì đúng hơn. Kiêu binh đã làm tan nát chính quyền trung