thay tâm tính nên Nhạc vẫn còn nhớ chức Biện lại vừa qua, không nổi cơn
lôi đình sấm sét khi dân Nghệ An không khấu đầu lạy tâu Hoàng đế với
ông mà chỉ khúm núm tôn xưng “quan lớn” thôi. Cho nên hẳn là đúng sự
thật về việc ông sai người đòi chia vàng bạc của Huệ lấy từ Đông Kinh.
Nhưng viên tướng trẻ 34 tuổi vừa chứng tỏ khả năng đi chiếm một nước
của mình, vừa được nâng lên làm rể một dòng họ cao sang hơn 300 năm,
ông ta còn nhiều tham vọng, không thể chia xẻ sự co rút của ông anh già
“cầu an, ham dật lạc,” được Chiêu Thống ngỏ ý nhường đất mà không dám
nhận. Trước khi đi đến đánh nhau, đã có tranh chấp bằng lời lẽ gay gắt vì
sự khác biệt quan điểm ấy nên lời hịch mắng anh đã có chữ “khinh suất,
can không nghe.” Rồi cuối cùng có sự chia cắt vùng đất chiếm được, như
anh em các nhà bình dân khác chia phần ruộng tạo mãi chung. Nhạc ở giữa
làm Trung Ương Hoàng đế, Lữ kém tài, cho sao hay vậy, lãnh vùng phía
nam đầy khó khăn, làm Đông Định Vương, và Huệ làm Bắc Bình Vương
trên kinh đô Phú Xuân.
Sự phân chia rõ là theo tính hình thực tế của các thế lực nhưng lực
lượng Tây Sơn yếu nhất ở Gia Định, là miếng mồi ngon cho Nguyễn Ánh
quay trở về lập căn cứ mà không phải lo đối đầu trực tiếp với lực lượng
mạnh nhất xa tận phía bắc. Nguyễn Nhạc bị em bức bách đến phải kêu
khóc cầu hoà nên mất tinh thần, không còn sức gượng dậy để đi cứu ứng
phương Nam, lo chống đánh khi Nguyễn Ánh còn chông chênh ở Gia Định.
Nguyễn Hữu Chỉnh lúc đang loay hoay ở xứ Nghệ, tìm cách tránh né cả
những tập họp nhỏ nhất tìm giết, hẳn không ngờ rằng mình đã gây nên sự
điên đảo cho Tây Sơn, ảnh hưởng cả đến hồi tàn cục của họ.
Cái thế ứng biến để vượt lên trên tình thế khó khăn của Nguyễn
Hữu Chỉnh rõ là không thể có nơi một anh nông dân ôm ruộng, lo xâu, hay
của một ông quan kinh sử làu thông bàn chuyện Nghiêu Thuấn. Lê không
nắm quyền cả hàng trăm năm nên rời Trịnh ra là thấy cái nước trống không,
không quyền bính, không tiền bạc. Cho nên Trịnh trở về, mà lại là loại bèo
bọt nên Chỉnh chỉ dùng gia binh và một danh nghĩa tôn xưng là chiếm được
quyền hành. Rủi cho Chỉnh, là vẫn còn có Nguyễn Huệ. Vũ Văn Nhậm